11:00 01/11/2019

Anh cung cấp số liệu về nạn mua bán người và bóc lột lao động

Quang Thanh

Có hơn 700 người Việt bị nghi là nạn nhân mua bán người đã được tiếp nhận bởi Cơ quan chuyển tuyến quốc gia Anh trong năm 2018

Biểu tình phản đối bốc lột lao động tại Anh - Ảnh: Independent.
Biểu tình phản đối bốc lột lao động tại Anh - Ảnh: Independent.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam vừa công bố một số thông tin liên quan tới nạn buôn bán người và bóc lột lao động tại Anh. Theo báo cáo, năm 2018, có hơn 700 người Việt bị nghi là nạn nhân đã được tiếp nhận bởi Cơ quan chuyển tuyến quốc gia Anh.

NOL

10 quốc gia với công dân có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn bóc lột lao động tại Anh được tiếp nhận bởi Cơ quan chuyển tuyến quốc gia Anh năm 2018.

Chuyển tuyến quốc gia là cơ chế xác minh và bảo vệ những người nghi là nạn nhân mua bán người, kết nối họ với các cơ quan chăm sóc nạn nhân, chính quyền địa phương hoặc các dịch vụ hỗ trợ xin tị nạn để có những hỗ trợ phù hợp.

Nhờ có sự tăng cường nhận thức và hiểu biết về bóc lột lao động, Anh đã phát hiện nhiều hơn những người bị nghi là nạn nhân mua bán người đã được xác minh và bảo vệ.

Theo thống kê của lực lượng cảnh sát Anh, từ đầu năm đến tháng 3/2019, đã có 5.059 vụ việc được ghi nhận, tăng 49% so với năm trước đó (3.393 vụ). Năm 2018, Cơ chế chuyển tuyến quốc gia tại Anh đã tiếp nhận 6.985 người nghi là nạn nhân mua bán người, tăng 36% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, Luật phòng chống Nô lệ hiện đại của Anh đã cho phép các cơ quan thực thi pháp luật có thêm nhiều công cụ hơn để đấu tranh phòng chống nô lệ hiện đại, tăng hình phạt cao nhất cho loại tội phạm này lên đến chung thân, và tăng cường bảo vệ đối với nạn nhân. Số lượng các chuyên án mà cảnh sát tiến hành đã tăng lên kể từ khi Luật phòng chống Nô lệ hiện đại có hiệu lực, từ 188 vụ vào tháng 12/2016 lên đến hơn 1.400, tính đến tháng 9/2019.

Theo báo cáo trên, Chính phủ Anh đang viện trợ 3 triệu Bảng cho Việt Nam để phòng chống mua bán người. Chương trình này tập trung vào hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực tư pháp hình sự. Tháng 11/2018, Chính phủ Anh và chính phủ Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác phòng chống mua bán người nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nạn nhân và phòng ngừa tội ác này.

Trên quốc tế, chính phủ nước này cũng cam kết viện trợ 200 triệu Bảng Anh nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn nô lệ - đẩy mạnh quản lý kinh doanh và tuyển dụng có đạo đức, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự bóc lột trong các chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cho các lực lượng hành pháp và tăng cường bảo vệ nạn nhân.