06:00 16/03/2022

Áp lực tăng giá hàng hóa khiến người dân TP.HCM tiết kiệm hơn

Xuân Thái

Xăng tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm liên tục tăng giá. Chắt chiu, dè xẻn, mua sắm ít ỏi và tiết kiệm đang là tâm lý chung của người dân ở TP.HCM. Các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng không nhộn nhịp như trước đây…

Xăng tăng giá kéo theo giá cả hàng hóa tăng. Các siêu thị vẫn giữ bình ổn giá nhưng sức mua của người tiêu dùng giảm do tâm lý tiết giảm chi phí...
Xăng tăng giá kéo theo giá cả hàng hóa tăng. Các siêu thị vẫn giữ bình ổn giá nhưng sức mua của người tiêu dùng giảm do tâm lý tiết giảm chi phí...

Theo Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua, do tác động của việc liên tục gia tăng giá xăng dầu đã dẫn tới áp lực tăng giá đối với tất cả các mặt hàng, từ nguyên liệu đến bao bì và thành phẩm, gia tăng áp lực, tăng chi phí…

CHỢ TRUYỀN THỐNG TĂNG GIÁ, SIÊU THỊ BÌNH ỔN

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu tâm đến vấn đề lạm phát có thể xảy ra trước áp lực tăng giá hàng hóa trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, qua theo dõi những ngày gần đây ghi nhận, giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả đang có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển hàng hóa từ vùng nguyên liệu về TP.HCM, chi phí xăng dầu phục vụ tưới tiêu tăng cao.

Ông Phương cũng cho biết, đối với giá cả ở các chợ truyền thống hiện nay phụ thuộc vào lượng hàng do tiểu thương chuẩn bị trong ngày cũng như lượng khách mua sắm trong ngày, vì vậy giá thường được điều chỉnh liên tục.

Ghi nhận thực tế tại các chợ truyền thống tại TP.HCM trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Đơn cử như rau cải, giá từ 30.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đ/kg đối với cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thảo; từ 50.000 đồng tăng lên 55.000 đồng/kg đối với cải bông xúp-lơ… Nhiều loại rau củ khác như xà lách, rau muống, đậu đũa, đậu cô-ve cũng tăng giá ở mức tương tự…

Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, tôm nghêu sò,… ghi nhận thấy giá tăng nhiều hơn so với mặt hàng rau củ quả. Ví dụ như, tôm thẻ loại lớn (15 – 20 con/kg) tăng từ 220.000 lên 270.000 đ/kg (tăng 50.000 đ/kg); mực tăng từ 30.000 -40.000 thậm chí 50.000 đ/kg, ở mức 250.000 – 280.000 đ/kg so với trước đó.

Với mặt hàng thịt, thịt heo tăng trung bình 10.000 đ/kg so với tháng sau Tết, từ khoảng 110.000 – 120.000 lên 120.000 – 130.000 đ/kg. Thịt bò cũng có mức giá tăng tương tự.

Tại các siêu thị, ông Phương cho rằng, các siêu thị thường có sự thống nhất chung với nhau. Nhiều siêu thị cũng đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Mới đây, đại diện Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM cho biết, sắp tới các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải điều chỉnh mức giá sản phẩm. Đây là giải pháp bất khả kháng.

Ghi nhận tại một số siêu thị, hiện nay các siêu thị như chuỗi Co.op Mart, Big C,.. vẫn đang áp dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá. Như chuỗi Co.op Mart có 10.000 mặt hàng tươi sống (rau củ quả, thủy hải sản…) giảm 2% VAT (VAT giảm từ 10% xuống 8%). Chuỗi Big C cũng có khoảng 20.000 mặt hàng sản phẩm giảm giá VAT 2%.

Riêng tại chuỗi siêu thị của Saigon Co.op,từ tháng 02/2022 đến nay đã và đang áp dụng chương trình giảm giá 50% luân phiên đối với các nhóm nhu yếu phẩm, như thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, quần áo - thời trang, thiết bị gia dụng…

Tuy nhiên, hiện Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TP.HCM phương hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần bình ổn phí đầu vào, giúp họ an tâm sản xuất, bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu.

DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐỀ XUẤT TĂNG GIÁ 3-5%

Hiện nay, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM vẫn phát huy hiệu quả và các doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa trên thị trường mà không phải bị áp lực về giá.

Một số mặt hàng là lương thực thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu thuộc chương trình bình ổn đang duy trì mức giá ổn định, thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Về đề xuất tăng giá của các nhà cung ứng, Sở Công Thương cho biết, các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi…) vẫn đang trong quá trình xem xét điều chỉnh. Các hệ thống này đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào căn cứ trên những đề xuất hợp lý thì mới thực hiện việc điều chỉnh.

Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, sẽ phải bảo đảm về giá cả và số lượng của bốn mặt hàng thiết yếu (trước Tết 01 tháng và sau Tết 01 tháng), gồm: thực phẩm, dụng cụ học tập, sữa và hóa phẩm phòng dịch.

Đến ngày 31/3 chương trình sẽ kết thúc, do vậy theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, từ nay đến trước cuối tháng 3, người dân yên tâm về giá cả của bốn nhóm mặt hàng này tại các cửa hàng tiện lợi, hệ thống mua sắm hiện đại.

Song, ông Hoàng Vũ cũng cho biết Sở mong các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ giữ giá bình ổn để giữ sức mua, đồng thời có thể chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa dịch.

Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, đến ngày 31/3 tới, trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có quyền đề xuất tăng giá bán trong hệ thống phân phối hiện đại từ 3 - 5%.

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM mới đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 ước đạt 89.093 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Song, về thương nghiệp bán lẻ giảm 3,1% so với tháng trước; ngành lưu trú và ăn uống tăng 18,1% so với tháng trước nhưng giảm 5,5% so cùng kỳ.

Tính chung hai tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước đạt 177.803 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

 

Trong tháng 2, gần như các nhóm ngành hàng của hoạt động bán lẻ đều có doanh thu giảm so với tháng 1 là tháng Tết. Nguyên nhân do xăng, dầu các loại tăng 11%, nhiên liệu tăng 5% do ảnh hưởng của giá cả xăng dầu thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay, kéo theo giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng lên liên tục, dẫn đến giá cả hàng hóa, nhu yếu phẩm tăng, sức mua giảm, doanh thu bán lẻ và dịch vụ giảm.

Chỉ riêng một số mặt hàng có doanh thu tăng so với tháng trước là vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,3% do học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp.