Australia ưa chuộng hàng dệt may Việt Nam
Trong bối cảnh xuất khẩu của toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay giảm, thì xuất khẩu sang Australia vẫn tăng, đặc biệt khi nước này giảm nhập khẩu dệt may từ các nước...
Dẫn số liệu thống kê từ trang https://textalks.com/aussie, Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết sau 9 tháng năm 2023, nhập khẩu hàng may mặc của Australia giảm 11,5 % so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng đến 10% so với cùng kỳ.
Còn theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu ngành hàng này sang Australia sau 10 tháng năm 2023 tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, để đảm bảo cơ hội tiếp cận thị trường Australia hiệu quả, bền vững, hàng dệt may Việt Nam đã được Thương vụ trưng bày, giới thiệu tại triển lãm nguồn hàng toàn cầu lớn nhất châu Đại dương liên tục trong nhiều năm (Global Sourcing expo - Australia). Đồng thời sử dụng các nền tảng số để mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.
Năm nay, Global Sourcing expo - Australia thu hút, kết nối gần 1000 doanh nghiệp từ nhiều nước trưng bày và khoảng 4000 các nhà nhập khẩu đến tìm kiếm nguồn hàng.
Những năm gần đây, Thương vụ chọn những mặt hàng gợi mở các hướng xuất khẩu mới như: ba lô trẻ em, lụa, vải, quần áo trẻ em, đồng phục… đồng thời quảng bá xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày da. Kết quả, sau 10 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu này đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với sự nỗ lực của Thương vụ, Hiệp hội dệt may cũng đã đẩy mạnh quảng bá hàng dệt may Việt Nam trên thị trường Australia. Do đó, tại Global Sourcing expo, bên cạnh gian hàng của Thương vụ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, được sự phê duyệt của Bộ Công Thương, đã có khu gian hàng lớn tại triển lãm.
Quyết định này là “cú hích” cho hàng dệt may Việt Nam tại Australia năm tiếp theo, trong bối cảnh bất chấp khó khăn, thị trường vẫn quan tâm hàng sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng trong bối cảnh yêu cầu sản xuất xanh, đồng thời doanh số bán lẻ hàng dệt may, quần áo và giày dép tại Australia trong 9 tháng giảm 3,9% so với cùng kỳ, thách thức tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào Australia sẽ trở nên rõ hơn.
Chính vì vậy, tại triển lãm, Thương vụ không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn trở thành quầy thông tin (one-stop-shop) để: Quảng bá nỗ lực xanh hóa của ngành; cung cấp thông mời gọi đầu tư song phương, thông qua các dự án mới hoặc mua cổ phần lẫn nhau; thúc đẩy xuất khẩu nguyên liệu dệt may, giày da, bên cạnh thành phẩm.
Như vậy, với mức tăng kim ngạch xuất khẩu phẩm dệt may tăng trưởng 8%, không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay mà còn đảm bảo giữ vững được mức kim ngạch dệt may đã đạt được đột biến trong 2 năm gần đây (năm nay giữ mức khoảng gần 500 triệu USD). Cùng với đó, mức tăng 17,6 % nguyên phụ liệu dệt may, giày da cũng mở ra một hướng xuất khẩu, hợp tác trong ngành giữa hai nước.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã nhấn mạnh với việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Australia.
Cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hàng may mặc của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Australia ưa chuộng khiến cho sức cạnh tranh mặt hàng này tại đây ngày càng tăng.
Trước Covid-19, nhập khẩu hàng may mặc của Australia trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình 1,84%/năm. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc và Bangladesh – 2 nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Australia chỉ tăng 2,03%/năm và 2,72%/năm, thì nhập khẩu từ Việt Nam tăng trung bình 11,08%/năm.
Hơn nữa, tốc độ tăng nhập khẩu hàng may mặc của Australia từ Việt Nam đạt cao nhất trong số 10 nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường này. Nhờ đó, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Australia liên tục được mở rộng từ 3,38% trong năm 2016 lên 4,73% vào năm 2020.