Vừa lên sàn, hãng xe điện “vô danh” Rivian đã chạm vốn hoá 100 tỷ USD

An Huy
Rivian đạt mức vốn hoá "khủng", dù mới giao những chiếc xe đầu tiên cách đây 2 tháng và lỗ 1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay...
Mẫu bán tải điện R1T của Rivian - Ảnh: Bloomberg.
Mẫu bán tải điện R1T của Rivian - Ảnh: Bloomberg.

Giá cổ phiếu Rivian Automotive Inc. tăng tới 29% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán ở New York, Mỹ vào ngày 10/11. Dù chốt phiên với mức tăng ít hơn, hãng xe điện còn ít tên tuổi này đã đạt mức vốn hoá lớn hơn cả hai hãng xe lớn nhất của Mỹ và đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi là General Motors (GM) và Ford Motor.

Theo hãng tin Bloomberg, Rivian – công ty có trụ sở ở Irvine, California – đã bán được cổ phiếu với giá 78 USD/cổ phiếu trong cuộc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), nhờ đó huy động được gần 12 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Đây là vụ IPO lớn nhất ở Mỹ kể từ cuộc phát hành 16 tỷ USD của mạng xã hội Facebook vào năm 2012.

Trong phiên ngày 10/11, giá trị vốn hoá của Rivian đạt 104 tỷ USD khi giá cổ phiếu mở cửa ở mức 106,75 USD/cổ phiếu. Lúc đóng cửa, giá cổ phiếu Rivian đạt 100,73 USD/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hoá khoảng 88 tỷ USD. Nếu tính cả quyền chọn cổ phiếu và cổ phiếu bị giới hạn bán ra, Rivian được định giá ở mức khoảng 98 tỷ USD.

Vốn hoá của Ford, công ty thành lập năm 1903, hiện ở mức hơn 77 tỷ USD. GM, hãng xe ra đời năm 1908, có mức vốn hoá 86 tỷ USD.

Được hậu thuẫn bởi những “ông lớn” như Amazon.com và Ford, Rivian đã bán 153 triệu cổ phiếu trong cuộc IPO vào ngày 9/11. Trước đó, công ty có kế hoạch chỉ bán 135 triệu cổ phiếu nhưng lượng đặt mua vượt xa con số này.

Đây là vụ IPO lớn nhất thế giới từ đầu năm đến nay, và lớn thứ sáu từ trước đến nay ở Mỹ, theo dữ liệu của Bloomberg.

Rivian trở thành công ty đại chúng trong lúc nỗ lực tìm kiếm một chỗ đứng trên thị trường ô tô điện (EV) đang dẫn đầu bởi Tesla, công ty có giá trị vốn hoá hơn 1 nghìn tỷ USD. Xu hướng dịch chuyển sang ô tô điện để bảo vệ môi trường trên toàn cầu đã góp phần đưa giá cổ phiếu Tesla tăng gần gấp rưỡi trong năm nay.

Nhà sáng lập kiêm CEO R.J. Scaringe của Rivian nói với Bloomberg rằng thách thức lớn nhất của hãng này là “sức khoẻ của chuỗi cung ứng”, trong bối cảnh hãng muốn đẩy mạnh sản xuất mà ngành ô tô toàn cầu đang ở trong một cuộc khủng hoảng khan hiếm linh kiện, đặc biệt là con chip.

Mức vốn hoá của Rivian phản ánh khả năng của công ty này trong việc tăng sản lượng một cách nhanh chóng, cũng như kế hoạch phát triển xe thương mại của công ty. Kế hoạch này bắt đầu bằng đơn hàng 100.000 xe tải điện dùng để giao hàng mà Rivian sản xuất cho Amazon. Ông Scaringe nói đây là đơn hàng đầu tiên của Rivian.

Ngoài ô tô điện, Tesla còn phát triển mạnh những mảng kinh doanh khác bao gồm pin năng lượng mặt trời, thiết bị lưu trữ năng lượng cho gia đình và cơ sở kinh doanh. Ông Scaringe cho biết Rivian cũng có ý định “lấn sân” vào những lĩnh vực tương tự.

“Đối với chúng ta, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để dịch chuyển một cách nhanh nhất khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch”, ông Scaringe nói. “Dĩ nhiên, việc đó đòi hỏi tập trung nhiều vào các sản phẩm phục vụ giao thông, và cả những sản phẩm về năng lượng. Đó chính là lĩnh vực chúng tôi sẽ tham gia vào”.

Rivian mới chỉ giao những chiếc xe đầu tiên của hãng cách đây 2 tháng, và chủ yếu là xe bán cho nhân viên. Trong năm nay, hãng dự kiến chỉ sản xuất khoảng 1.200 xe tại nhà máy ở Normal, Illinois.

Rivian lỗ khoảng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Hãng dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt mức sản lượng hàng năm 150.000 xe.

Tin mới

Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Thông tư 06/2025 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải xe ô tô tham gia giao thông đường bộ. Nội dung quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông đường bộ, bao gồm Cacbon Monoxit (CO), Hydrocacbon (HC) trong khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và độ khói của khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy do nén.
Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Lei Jun, người sáng lập và chủ tịch của Xiaomi Corp., công ty công nghệ duy nhất đến thời điểm hiện tại đã thành công trong việc đa dạng hóa sang sản xuất ô tô. Tuy nhiên, con đường tương tự đã từ chối Apple, gã khổng lồ ngành công nghệ của thế giới.
Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc đang lan sang thị trường lớn nhất của nước này tại châu Á là Thái Lan. Khi phải vật lộn để cạnh tranh với BYD, các kế hoạch sản xuất đầy tham vọng nội địa gặp rủi ro, các công ty nhỏ hơn tìm sang Thái Lan như giải pháp để tồn tại nhưng để lại hệ luỵ không nhỏ cho thị trường này.
“Gã khổng lồ” Geely tăng cường ảnh hưởng toàn cầu với xe năng lượng mới ở châu Âu

“Gã khổng lồ” Geely tăng cường ảnh hưởng toàn cầu với xe năng lượng mới ở châu Âu

Nhà sản xuất ô tô tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, Geely Auto (thành viên của Zhejiang Geely Holding Group (ZGH)), vừa chính thức bắt tay với nhà cung cấp Jameel Motors để tiến vào thị trường Italia. Đây là một trong những thị trường quan trọng nhất của châu Âu, với lá bài chiến lược là các mẫu xe năng lượng mới (NEV).