13:46 24/04/2023

Ba động lực cho cổ phiếu nhóm bán lẻ trong quý 2/2023

Kiều Trang

Cổ phiếu nhóm bán lẻ chịu áp lực chỉnh mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do thông tin về kết quả kinh doanh kém thuận lợi trong quý 1/2023. Tuy nhiên, triển vọng nhóm này sẽ khá hơn trong thời gian tới nhờ nhiều động lực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu nhóm bán lẻ đã sụt giảm mạnh thời gian qua: MSN của Masan Group đang được giao dịch 75.500 đồng/cổ phiếu - đây là vùng đáy của hai năm trở lại; MCH tương tự đang nằm ở vùng giá 64.000 đồng/cổ phiếu; nhóm bán lẻ công nghệ như FRT cũng giảm 40% trong vòng 1 năm qua; MSN giảm 60% trong vòng một năm. Một số cổ phiếu khác cũng giảm mạnh trong năm qua gồm ICT; PNJ...

CỔ PHIẾU GIẢM MẠNH DO DOANH THU GIẢM

Cổ phiếu nhóm bán lẻ chịu áp lực điều chỉnh trong bối cảnh doanh thu nhóm ngành này giảm mạnh trong quý 1/2023.

Đơn cử, tại MWG, trong 3 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ước tính doanh thu đạt 26.990 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và chỉ đạt 20% so với kế hoạch (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng) và đặc biệt lần thứ hai liên tiếp, sau báo cáo 2 tháng đầu năm 2023 không công bố lợi nhuận, điều mà các năm thuận lợi trước đây không bao giờ diễn ra.

Đối với FRT, quý 1 ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết về sơ bộ doanh thu, chuỗi ICT sẽ giảm 20%, như vẫn tương đối tốt trong bối cảnh thị trường chung. Long Châu tăng trưởng trên 50%. Tổng doanh thu hợp nhất tương đương quý 1 năm ngoái, tin tưởng không bị lỗ.

Cổ phiếu nhóm bán lẻ điều chỉnh trong phiên 24/4. 
Cổ phiếu nhóm bán lẻ điều chỉnh trong phiên 24/4. 

Đối với Haxaco, tại đại hội đồng cổ đông cuối tuần qua, ông Đỗ Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT cho biết tình hình doanh thu quý 1/2023 thấp kỷ lục, có những tháng chỉ bán được có 5 xe, tổng 3 tháng đầu năm chỉ bán được vài chục xe. Thế nhưng quý 1, Công ty vẫn có lợi nhuận. Và lợi nhuận đó được mang lại chủ yếu từ các xưởng dịch vụ, đóng góp doanh số rất tốt, bởi vì khấu hao đã gần hết.

“Công ty không bán được nhiều hàng. Và thật sự là quý 1, tất cả đại lý của Việt Nam đều lỗ rất nặng, tuy nhiên việc này đã được lường trước và lượng tồn kho từ năm ngoái cũng như chính sách kịp thời của Melia Hồ Tràm đã mang lại lợi nhuận 10 tỷ đồng cho quý 1/2023.

Đây là sự cố gắng hết sức bởi quý 1 sụt giảm một cách thê thảm, doanh số của cả Mercedes sụt giảm 70-80%. Tình hình ô tô nói chung hiện nay là xe sang không bán được. Và đến thời điểm này, lượng tồn kho của HAX ổn định và sẽ tiếp tục giảm lượng tồn kho xuống mức thấp nhất có thể”, Chủ tịch HAX bày tỏ.

BA ĐỘNG LỰC CHO CỔ PHIẾU BÁN LẺ

Cổ phiếu nhóm bán lẻ chịu áp lực chỉnh mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do thông tin về kết quả kinh doanh kém thuận lợi trong quý 1/2023. Tuy nhiên, triển vọng nhóm này sẽ khá hơn trong thời gian tới dựa trên ba động lực chính.

Động lực thứ nhất, hàng loạt chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 57/TTr-NHNN ngày 22 tháng 4 năm 2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất Thuế Giá trị Gia tăng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính Thuế Giá trị Gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí với thời gian áp dựng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/13/2023.

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ gửi công văn tới Bộ trưởng Tài chính về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Trong đó, nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gộn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.

Động lực thứ hai là doanh thu bán lẻ hàng hóa tiêu dùng có xu hướng tăng trong quý 1/2023. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2023 ước đạt 1.187,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 12,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,9%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 2,7%.

Một khi các chính sách về thuế, cho vay tiêu dùng có hiệu lực sẽ thúc đẩy tiêu dùng tăng mạnh trong quý 2/2023.

Ba động lực cho cổ phiếu nhóm bán lẻ trong quý 2/2023 - Ảnh 1

Động lực thứ ba là lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Thống kê của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy lãi suất huy động hiện giảm khoảng 0,5-1,5 điểm % so với đầu năm, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng khi thanh khoản hệ thống NH được cải thiện và nhu cầu tín dụng còn thấp. Lãi suất cho vay cũng đang giảm (khoảng 1-2 điểm %) từ đầu năm khi nhiều NH tung ra các gói tín dụng ưu đãi.

Lãi suất cho vay giảm giúp giảm áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ. Đơn cử, tại MSN, tổng số nợ của MSN đã tiếp tục tăng lên 70.993 tỷ đồng (~3,021 triệu USD) vào Q4/2022. Do đó, MSN sẽ phải chịu một khoản chi phí lãi vay khá nặng nề vào năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, chi phí vay nợ của MSN sẽ hạ đáng kể so với chu kỳ mặt bằng lãi suất cao.

Nhiều công ty đã đặt lợi nhuận tăng trưởng cả năm 2023. Năm 2023, MWG đặt mục tiêu kinh doanh là 135 ngàn tỷ đồng doanh thu và 4,2 ngàn tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với kết quả năm 2022. Tuy nhiên, hai mục tiêu trên là con số tối thiểu trong kế hoạch 135 - 150 ngàn tỷ đồng doanh thu và 4,2 - 4,7 ngàn tỷ đồng lợi nhuận được Công ty công bố vào tháng 2 vừa qua.

Năm 2023, MSN đề ra mục tiêu từ 90.000-100.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000-5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tương tự, tại FPT, năm 2023 doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 52.289 tỷ đồng tăng 18,8% và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng tăng 18,2% so với năm 2022.