15:03 20/10/2015

Ba mục đích phía sau cuộc đoàn tụ gia đình Hàn-Triều

Diệp Vũ

Nhiều người Hàn Quốc và Triều Tiên xem đây là cơ hội cuối cùng gặp lại người thân

Cuộc đoàn tụ của một gia đình Triều Tiên bị ly tán - Ảnh: Getty/Bloomberg.<br>
Cuộc đoàn tụ của một gia đình Triều Tiên bị ly tán - Ảnh: Getty/Bloomberg.<br>
Tuần này, một số gia đình bị ly tán trên bán đảo Triều Tiên sẽ được đoàn tụ sau nhiều thập kỷ xa cách.

186 gia đình bị ly tán đã được lựa chọn để đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng Geumgang của Triều Tiên vào tuần này. Nhiều người Hàn Quốc và Triều Tiên xem đây là cơ hội cuối cùng gặp lại người thân, bởi 80% những người phải ly tán người thân vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 hiện còn sống đã ở độ tuổi trên 70.

Khoảng một nửa trong số 130.000 người Hàn Quốc làm đơn xin được đoàn tụ người thân ở Triều Tiên trong 19 cuộc đoàn tụ kể từ năm 1988 đã qua đời. Mới chỉ có khoảng 1.900 người được đoàn tụ với thân nhân kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến. Từ năm 2000 đến nay, tần suất của các cuộc đoàn tụ lúc tăng, lúc giảm tùy thuộc vào quan hệ ngoại giao giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao ông Kim Jong Un lại cho phép diễn ra cuộc đoàn tụ năm nay?

Theo hãng tin Bloomberg, có ba lý do khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra quyết định này.

Thứ nhất, cuộc đoàn tụ sẽ là một cách để quảng bá cho du lịch Triều Tiên.

Cuộc đoàn tụ sẽ cải thiện hình ảnh cho khu nghỉ dưỡng Geumgang trong mắt du khách Hàn. Một khi du khách Hàn quay lại với khu nghỉ dưỡng ven biển này, Triều Tiên sẽ có thêm ngoại tệ. Những tour du lịch như vậy đã giúp Triều Tiên thu được hàng trăm triệu USD trước khi bị dừng vào năm 1998 khi một du khách bị một lính gác Triều Tiên bắn chết.

Phía Hàn Quốc giữ quan điểm sẽ chỉ nối lại các tour tới Geumgang chừng nào Triều Tiên trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại du khách Hàn nói trên và hứa sự việc tương tự sẽ không tái diễn. Tuy nhiên, các công ty du lịch của Hàn Quốc đang rất kỳ vọng vào việc các tour này sớm được nối lại.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Kim Jong Un đã đầu tư nhiều để kiến thiết thủ đô Bình Nhưỡng. Chưa kể, cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên được cho là tiêu tốn một số tiền lớn. Bởi vậy, ông Kim Jong Un cần những mối quan hệ tốt hơn để phục vụ cho mục đích kinh tế.

Thứ hai, cuộc đoàn tụ là một cách để Triều Tiên “thuyết phục” Hàn Quốc tăng cường hợp tác kinh tế

Người Hàn Quốc xem việc đoàn tụ các gia đình ly tán là một vấn đề nhân đạo cấp bách. Những cảm xúc trong cuộc đoàn tụ có thể làm gia tăng sự ủng hộ của dư luận Hàn Quốc đối với việc tăng cường trao đổi Hàn-Triều, đồng thời gây sức ép buộc Tổng thống Park Geun-Hye cho phép hợp tác kinh tế quy mô lớn với Triều Tiên. Đến nay, bà Park vẫn nói sẽ không cho phép điều này chứng nào Triều Tiên chưa từ bỏ các tham vọng hạt nhân.

Và thứ ba, cuộc đoàn tụ là một dấu hiệu căng thẳng liên Triều đã dịu bớt, gia tăng khả năng Trung Quốc chấp nhận cho ông Kim Jong Un sang thăm - một mục tiêu đã bị quá hạn của nhà lãnh đạo trẻ kể từ khi lên nắm quyền cách đây gần 4 năm.

Tháng trước, Trung Quốc cử ông Lưu Vân Sơn, một thành viên của Bộ Chính trị nước này, sang Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Ông Lưu là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất gặp ông Kim kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không hài lòng với chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã  cản trở ông Kim gặp ôn Tập. Ông Kim đã không lần nào sử dụng từ “hạt nhân” trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng, trái ngược với lời đe dọa của Bình Nhưỡng vào tháng trước nói sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư.