16:26 18/12/2023

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển 3 trục kinh tế động lực bám cảng biển và các tuyến cao tốc

Ánh Tuyết

Quy hoạch mới công bố đặt mục tiêu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong top 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu, 10 địa phương có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, tỉnh sẽ phát triển 3 trục kinh tế động lực gắn với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, các tuyến cao tốc, vành đai...

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển ba trục kinh tế động lực, các cực tăng trưởng.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển ba trục kinh tế động lực, các cực tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

BỀN VỮNG TRONG TOP 10 ĐỊA PHƯƠNG CÓ QUY MÔ GRDP LỚN NHẤT NƯỚC

Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

 

Đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng, tương đương 18.000-18.500 USD.

Đồng thời, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. 

Tại quy hoạch nêu rõ Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển ba trục kinh tế động lực, các cực tăng trưởng.

Một, trục kinh tế động lực công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51, tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.

Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế. Hình thành khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ với chức năng chính là: cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, công viên công nghiệp gắn với trung tâm logistics đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia tại khu vực Long Sơn - Cái Mép với các dự án công nghiệp chủ yếu đó là: Tổ hợp hóa dầu Miền Nam; Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn, các dự án hạ nguồn hóa dầu.

Tiếp tục đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Hai, trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ.

Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức); khu logistics dọc đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.

Các khu công nghiệp trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học…

Ba, trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng.

Phát triển chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp…; kết nối không gian và liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CAO TỐC, XÂY MỚI ĐƯỜNG SẮT TỶ USD

Về phương án phát triển mạnh lưới giao thông, theo quy hoạch mới được phê duyệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.

Theo đó, về phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 51C.

Đồng thời, xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ tránh các đô thị: tuyến tránh Quốc lộ 51 qua thành phố Bà Rịa, tuyến tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Phước Bửu và thị trấn Đất Đỏ.

Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch:

Đối với 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đối với 10 tuyến đường tỉnh bổ sung mới, điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, gồm: ĐT992B (đường Phước Hòa - Cái Mép); ĐT992C (đường 965); ĐT994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu); ĐT994C (đoạn đường QL51 chuyển thành đường địa phương); ĐT994D (đường 30/4); ĐT994E (đường Hoàng Sa); ĐT995C (Nghĩa Thành - Cù Bị); ĐT996D (Châu Đức-Long Điền); ĐT999B (Hồ Cốc - Hòa Hiệp); đường vòng huyện Côn Đảo.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển 3 trục kinh tế động lực bám cảng biển và các tuyến cao tốc - Ảnh 1
 

Với đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bổ sung quy hoạch 02 nhánh kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển: Nhánh 1: dài 5,3km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải; Nhánh 2: dài 9,1km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Về đường sắt đô thị, sau năm 2030, nghiên cứu đầu tư xây dựng 03 tuyến đường sắt đô thị, gồm: Tuyến số 1: hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu; Tuyến số 2: kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3: kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thành phố Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai).

Về cảng biển, Quyết định số 1629/QĐ-TTg nêu rõ sẽ phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.

Phạm vi quy hoạch, chức năng, cỡ tàu thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vùng đất, vùng nước cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện theo Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về cảng cạn, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, gồm: Cụm cảng cạn Mỹ Xuân, Cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, Cảng cạn Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III), Cảng cạn Phước Hòa (cảng cạn Cái Mép). 

Về đường thủy nội địa, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thủy trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, phát triển các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa địa phương thuộc khu vực đất liền trên 25 con sông - rạch các cấp từ cấp I đến cấp VI. Hệ thống cảng thủy nội địa 94 cảng, bến thủy nội địa, gồm 50 cảng, bến hiện hữu đang hoạt động và quy hoạch phát triển 44 dự án cảng, bến thủy nội địa và bến chuyên dùng phục vụ du lịch.

Tại huyện Côn Đảo, duy trì 29 bến thủy nội địa đang hoạt động, bổ sung quy hoạch nhóm bến chuyên dùng phục vụ du lịch trên địa bàn huyện tại các khu vực Hòn Bà, Vịnh Đầm Tre, Họng Đầm và Bãi Đất Dốc.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển cảng hàng không Côn Đảo. Bên cạnh đó, quy hoạch 02 sân bay chuyên dùng, đó là sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu đến năm 2035; là sân bay cấp 3C, diện tích đất dự kiến khoảng 248,5ha; sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha...