08:57 14/01/2025

Ba yếu tố hỗ trợ ngành hàng không năm 2025

Thu Minh

Định giá hiện tại đối với các cổ phiếu phiếu hàng không khá hợp lý do triển vọng tăng trưởng thu nhập yếu, trong khi đó định giá các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay hiện không cao khi so với triển vọng tăng trưởng thu nhập trung hạn mạnh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngành hàng không Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn về tổng lượng hành khách trong năm 2024. Theo ACV, lượng hành khách qua các sân bay của ACV năm 2024 đạt 109 triệu lượt tăng 4% so với cùng kỳ, gần tương đương với năm 2019 là 116 triệu lượt.

Lợi nhuận của ngành hàng không đã trở lại mức trước COVID nhờ sự phục hồi của lượng khách quốc tế và giá vé nội địa cao hơn. 

GIÁ VÉ MÁY BAY SẼ CAO LÊN NỮA?

Nhận định về triển vọng ngành hàng không trong năm 2025, theo SSI Research, sẽ có ba yếu tố chính hỗ trợ cho ngành tăng trưởng. 

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp giảm tình trạng tắc nghẽn công suất tại các sân bay chính. Nút thắt đối với tăng trưởng của ngành nằm ở công suất hoạt động của một số ga chính tại các sân bay thương mại gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, điều này hạn chế các suất bay mới nhằm tăng hiệu suất và tuyến bay của các hãng hàng không.

Gần đây, Chính phủ và ACV đang triệt để giải quyết vấn đề này bằng cách khởi động nhiều dự án sân bay quan trọng như Sân bay quốc tế Long Thành - 25 triệu hành khách, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất - 20 triệu, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài - 5 triệu, Nhà ga quốc tế Phú Bài - 5 triệu, cũng như một số dự án mở rộng sân bay nhỏ hơn.

Khi các dự án này hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026, kỳ vọng công suất sẽ nâng lên 55 triệu hành khách (tăng 60% so với năm 2019), từ đó ngành hàng không Việt Nam có thể duy trì lộ trình tăng trưởng hành khách hàng năm từ 10-12% mỗi năm trong năm năm tới, tạo cơ hội cho tất cả các bên bao gồm sân bay, dịch vụ sân bay, hãng hàng không và đơn vị xử lý hàng hóa.

Thứ hai, chính sách thị thực. Trước đây, một trong những bất lợi chính của Việt Nam với tư cách một điểm du lịch so với các nước trong khu vực là chính sách thị thực chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong tháng 8 năm 2023, Việt Nam đã phần nào cân bằng cuộc chơi bằng cách triển khai chính sách thị thực đơn giản hơn, bao gồm: Miễn thị thực (visa) nhập cảnh lên đến 45 ngày (trước đây là 15 ngày) cho 25 quốc gia. Quy định mới này tương tự chính sách miễn thị thực hiện tại của Thái Lan (mặc dù áp dụng ít quốc gia hơn: Thái Lan miễn thị thực 45 ngày cho 93 quốc gia bao gồm Trung Quốc).

Đơn xin thị thực điện tử (E-visa) hiện có sẵn cho tất cả các quốc gia (trước đây giới hạn ở 80 quốc gia) và thời hạn thị thực được kéo dài tối đa ba tháng (trước đây tối đa một tháng).

Ba yếu tố hỗ trợ ngành hàng không năm 2025 - Ảnh 1

Thứ ba, cạnh tranh ít gay gắt hơn và tàu bay có sẵn làm tăng giá vé trung bình và cải thiện biên lợi nhuận trong ngắn hạn. Trong năm 2019, Bamboo Airways tăng vốn, tăng đội tàu bay từ 3 máy bay trong năm 2018 lên 30 máy bay vào năm 2019, điều này khiến cho biên lợi nhuận gộp cốt lõi của các hãng hàng không hiện nay giảm 300 điểm cơ bản.

Thời điểm tăng trưởng đạt mức đỉnh, Bamboo chiếm 16% thị phần vào năm 2022 trước khi thu hẹp quy mô do khó khăn tài chính. Bamboo hiện chỉ khai thác 7 tàu bay và đã chấm dứt các chuyến bay quốc tế để tái cấu trúc.

Mặt khác, Viettravel Airlines tham gia thị trường trong năm 2020 chỉ khai thác 3 tàu bay.

Kể từ tháng 1 năm 2024, khoảng 44 máy bay tương đương khoảng 20% tổng số tàu bay của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, đang sử dụng động cơ Pratt & Whitney đã được gắn cờ kiểm tra trên toàn cầu và cần phải nằm đất từ 100-200 ngày để thực hiện kiểm tra và sửa chữa bắt buộc. Trong số 44 máy bay đó, VietJet và Vietnam Airlines lần lượt có 24 (chiếm 28% đội bay) và 20 chiếc (chiếm 19% đội bay). Nguồn cung tàu bay dự kiến sẽ giảm 35%, đẩy giá vé máy bay lên cao hơn nữa.

BA ĐỘNG LỰC CHÍNH CHO NGÀNH HÀNG KHÔNG 

Trong năm 2025, SSI Research cũng xác định ba động lực chính cho các công ty hàng không Việt Nam gồm: giá dầu thấp hơn, tăng trưởng lượng hành khách ổn định và thiếu nguồn cung máy bay.

Trở ngại đối với ngành là sự cạnh tranh gay gắt, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng tàu bay và đồng USD tăng. Do chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% chi phí cơ bản của các hãng hàng không, SSI dự báo giá dầu giảm 4% trong năm 2025, giá dầu Brent trung bình là 72,50 USD/thùng so với mức trung bình năm 2024 là 75,40 USD/thùng, có thể dẫn đến chi phí giảm -1,3% hoặc biên lợi nhuận gộp của toàn bộ các hãng hàng không cải thiện khoảng 1%.

Về phía cầu, nhu cầu cao hơn đối với du lịch quốc tế đến và đi từ Trung Quốc, cùng với tăng trưởng tự nhiên từ các thị trường khác. Kỳ vọng lượng khách Việt Nam bay quốc tế tăng 18% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa có thể ghi nhận tăng trưởng chậm hơn nhiều do thiếu tàu bay và chỉ dự báo mức tăng 5% đối với hành khách trong nước - theo đó mức tăng trưởng lượng hành khách Việt Nam đạt 10% so với cùng kỳ.

Với sự tăng trưởng liên tục của lượng khách quốc tế, SSI kỳ vọng các sân bay và công ty cung cấp dịch vụ sân bay như ACV, AST sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong năm 2025 lần lượt là 20% và 17%.

Ba yếu tố hỗ trợ ngành hàng không năm 2025 - Ảnh 2

Đối với công ty kho vận, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam sẽ tăng 8% và SCS sẽ hưởng lợi với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 10%. Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, do đó có rất nhiều cơ hội mở rộng công suất.

Đối với các hãng hàng không, động lực đến từ giá dầu thấp hơn và tình trạng thiếu hụt máy bay, giúp hỗ trợ triển vọng thu nhập của ngành. Tuy nhiên, so với phân khúc sân bay, các hãng hàng không cũng phải đối mặt với một số trở ngại lớn, như Bamboo Airways có kế hoạch tăng quy mô đội tàu bay từ 8 chiếc hiện tại lên 18 chiếc vào cuối năm 2025, trong khi Viettravel Airlines nhận được khoản đầu tư chiến lược từ Tập đoàn T&T.

Một trở ngại khác là việc bàn giao máy bay chậm, tốc độ bàn giao năm 2024 chỉ bằng một nửa năm 2019, dẫn đến tình trạng khan hiếm máy bay và chi phí mua lại/chi phí thuê cao hơn để mở rộng đội tàu bay. Đồng USD tăng trong năm 2025 có thể gây áp lực lên việc trả nợ bằng USD và thanh toán tiền thuê của hãng hàng không.

Về lợi nhuận, kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ đạt mức đỉnh và bình thường trở lại trong giai đoạn 2025-2026, khi tình trạng thiếu hụt máy bay và giá vé nội địa cao dần giảm bớt. Cụ thể, lợi nhuận ròng của công ty mẹ HVN sẽ giảm 14% nhưng vẫn cao hơn 37% so với mức năm 2019, trong khi chưa có ước tính cụ thể cho VJC.

Về thị giá cổ phiếu, định giá hiện tại khá hợp lý đối với các công ty hàng không do triển vọng tăng trưởng thu nhập yếu, trong khi đó định giá các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay hiện không cao khi so với triển vọng tăng trưởng thu nhập trung hạn mạnh.

SSI bày tỏ kỳ vọng vào các doanh nghiệp vận hành sân bay, chủ yếu do khả năng phục hồi tăng trưởng hành khách và mở rộng công suất mạnh mẽ trong vài năm tới. Không giống như các hãng hàng không, doanh nghiệp vận hành sân bay không bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá cả và chi phí, có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn so với các hãng hàng không thời kỳ hậu Covid-19.