14:01 13/09/2023

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to, các địa phương lên kế hoạch ứng phó

Chu Khôi

Từ ngày 13 - 14/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 200mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp...

Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét rất nguy hiểm.
Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét rất nguy hiểm.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tối 12/9/2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa lớn gây lũ ống làm 7 người thiệt mạng và mất tích…

LÀO CAI THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Tại huyện Bát Xát, khoảng 21 giờ 12/9, lũ lớn cục bộ đã xảy ra ở xã Phìn Ngan cuốn trôi nhiều người tại thôn Suối Chải. Mưa lớn diễn ra khoảng 30 phút thì nước của 3 dòng suối chính trên địa bàn xã (Nậm Phá, Nậm Cang và Nậm Than) đột ngột dâng cao. Nhiều người dân phát hiện lũ dâng nhưng không kịp di chuyển, bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Lũ ống bất ngờ trên 3 con suối cũng đã cuốn trôi toàn bộ các trại cá hồi, cá tầm và nhiều tài sản khác của người dân.

Các tuyến đường di chuyển vào xã Liên Minh bị cô lập do nước lũ dâng cao, các ngầm tràn có lũ lớn không thể tiếp cận. Khoảng gần 10h đêm ngày 12/9, các lực lượng cứu hộ mới có thể tiếp cận khu vực bị thiên tai và tìm thấy 2 thi thể đầu tiên bị nước lũ cuốn trôi bàn giao cho gia đình đưa về mai táng.

Ngoài ra, mưa lũ trong tối ngày 12/9 cũng làm ngập lụt nhiều tuyến đường làm giao thông bị tê liệt. Tại khu vực Km135+400 Quốc lộ 4D, đoạn thuộc địa phận xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum dâng cao đã khiến đoạn đường dài khoảng 300m bị ngập sâu, nhiều phương tiện không thể lưu thông qua khu vực.

Trên đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai đi Sa Pa, đoạn thuộc địa phận tổ 30, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum cũng làm ngập đoạn đường dài khoảng 100m, các phương tiện cũng không thể đi qua khu vực ngập.

Trong sáng 13/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường cũng đã trực tiếp vào chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại thị xã Sa Pa. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm những người bị mất tích, hỗ trợ người dân đi chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện khu vực trên vẫn tiếp tục có mưa lớn, nước lũ tiếp tục dâng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trước diễn biến của mưa lũ trên địa bàn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch cụ thể và các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất… nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, đang tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng để có phương án di chuyển kịp thời.

MƯA LỚN SẼ KÉO DÀI TRONG 3 NGÀY TỚI

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 3 ngày từ 10/9 đến sáng 13/9, các khu vực trên cả nước có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 60-120 mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Phình Hồ (Quảng Ninh) 223mm; Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 155mm; Ia Dom (Kon Tum) 176mm; Ia Hrung (Gia Lai) 137mm; Cát Tiên (Lâm Đồng); Phú Quốc (Kiên Giang) 136mm.

Dự báo ngày và đêm 13/9, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 130mm. Từ ngày 13-14/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 200mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo: Ngày và đêm 13/9, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, vùng biển từ Bình Thuận-Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Từ 12/9 đến ngày 15/9, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-4m.

Trước tình hình này, ngày 12/9/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn số 342/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Thứ trưởng Nguyễn Quang Tuyên đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai ở Bình Phước, chiều 12/9
Thứ trưởng Nguyễn Quang Tuyên đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai ở Bình Phước, chiều 12/9

Sáng 13/9/2023, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai do ông Phạm Đức Luận, Chánh văn phòng làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Ngày 12/9/2023, Đoàn công tác do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y Tế, Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai  làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2023 tại tỉnh Bình Phước.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn cục bộ, dông lốc, sét, gió giật mạnh trên biển và khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ quét tại tỉnh Lào Cai.

Thứ nhất: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Thứ hai: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Thứ ba: Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Thứ tư: Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Thứ năm: Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thứ sáu: Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.