05:57 16/05/2007

Bất an thuốc chữa bệnh

Minh Đạo

Thuốc giả, kém chất lượng “đã xâm nhập vào cơ sở điều trị từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến trung ương, đến trực tiếp người bệnh"

Hiện có 41.500 cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc (20.000 người dân/1 cơ sở).
Hiện có 41.500 cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc (20.000 người dân/1 cơ sở).
Thuốc giả đang có nguy cơ xuất hiện trở lại nhiều hơn và tỷ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng đang có xu hướng tăng lên.

Đó là nhận định của PGS-TS. Trịnh Văn Lẩu, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tại hội nghị ở Đà Lạt ngày 11/5 vừa qua.

So với năm 2005, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tân dược trong năm 2006 tăng trưởng khá với tổng trị giá tiền thuốc sử dụng 956.353 nghìn USD, tăng 16,99%; trị giá thuốc sản xuất trong nước 475.403 nghìn USD, tăng 120,30%; trị giá thuốc nhập khẩu 710.000 nghìn USD, tăng 9,20%; trị giá thuốc xuất khẩu 19.744 nghìn USD, tăng 11,99%; tiền thuốc bình quân đầu người 11,23 USD, tăng 14,0%.

Thuốc giả, nhập lậu có chiều hướng gia tăng

Các lĩnh vực khác cũng tăng trưởng như mạng lưới cung ứng thuốc với 41.500 cơ sở bán lẻ trên toàn quốc (20.000 người dân/1 cơ sở). Hệ thống sản xuất thuốc (số đăng ký thuốc lưu hành trên thị trường 14.097). Theo đó, năm 2006 đã bình ổn thị trường thuốc: chỉ số giá tiêu dùng đạt 6,6%, giảm 21% và chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm, y tế đạt 4,3%, giảm 12%.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thực tế ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thuốc giả và thuốc kém chất lượng có chiều hướng tăng. Năm 2006, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. HCM và 63 trung tâm đã kiểm nghiệm được 41.998 mẫu thuốc, trong đó 29.819 mẫu lấy để kiểm tra chất lượng.

Kết quả phát hiện 947 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tỷ lệ 3,18% (các năm 2003, 2004, 2005 là 3,08%, 3,05%, 3,00%). Chất lượng thuốc không đạt cả từ 2 nguồn sản xuất đều tăng: trong nước, từ 3,00% năm 2002 lên 3,52% năm 2006 và nhập khẩu từ 1,33% năm 2004 lên 1,59% năm 2006.

Đáng báo động là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng tới 2,54%, đông dược 11,55%. PGS, TS Trịnh Văn Lẩu cho rằng tồn tại và thách thức đối với việc đánh giá chất lượng thuốc trên lĩnh vực hiệu lực điều trị (phải đánh giá tương đương sinh học đối với các thuốc generic) thì ở Việt Nam mới chỉ tiếp cận từ năm 2003 và bắt đầu thử từ năm 2004.

Đối với thuốc giả, năm 2006 phát hiện 38 mẫu, tỷ lệ 0,13% (năm 2001 và 2002 là 0,03%; 2003 và 2004 là 0,06%, 2005 là 0,09%). Đặc biệt thuốc giả được làm tinh vi hơn, bằng mắt thường rất khó phát hiện và “đã xâm nhập vào cơ sở điều trị từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến trung ương, đến trực tiếp người bệnh, gây nên những hậu quả nghiêm trọng” - đánh giá của Thanh tra Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm-mỹ phẩm Tp.HCM còn cho biết, chính những quy định về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn hiện hành đã “trói tay” Trung tâm này trong hoạt động mạng lưới và lấy mẫu nên gặp khó khăn khi kiểm tra và lấy mẫu thuốc ngoài luồng, thuốc nhập lậu.

Cơ quan y tế đứng... ngoài cuộc?

ThS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết thực trạng: tính chất và quy mô sản xuất, buôn bán thuốc giả ngày càng phức tạp, tinh vi, khó nhận biết. Thuốc bị làm giả chủ yếu là thuốc biệt dược, ngoại nhập, đắt tiền. Thuốc nhập lậu (cả tân dược, thuốc từ dược liệu và thuốc đông y) qua biên giới rất phức tạp, không kiểm soát đầy đủ. Một số lượng đáng kể thuốc nhập lậu (có thể có thuốc giả) đang trôi nổi trên thị trường.

Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc không tuân thủ các quy định hiện hành, buôn bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ công khai tại quầy, kho còn thuốc giả lại được cất giấu, nguỵ trang kỹ lưỡng, rất khó phát hiện và không thể lấy mẫu được.

Phải chăng đây là một lý do mà Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thừa nhận hầu như các vụ sản xuất, lưu thông thuốc giả thời gian qua chủ yếu do lực lượng công an phát hiện chứ không phải các cơ quan chức năng của ngành y tế?

Hiện ở Việt Nam, trang thiết bị của hệ thống kiểm nghiệm còn thiếu, chưa đồng bộ. Ngay các loại thuốc thiết yếu tại một số trung tâm kiểm nghiệm cũng chưa đủ những trang thiết bị phân tích để kiểm nghiệm. Thậm chí không có kinh phí để mua chất chuẩn, chất đối chiếu và dung môi hóa chất. Vì vậy, ngoài khắc phục những tồn tại trên đồng thời phải có nhiều giải pháp triển khai như tăng cường quản lý chất lượng toàn diện từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kiểm nghiệm, quản lý và thanh tra...