Bí ẩn về mộng du dưới góc nhìn y học
Theo trang tin Business Insider của Mỹ, có khoảng 1 - 5% số người trưởng thành ở quốc gia này mắc chứng mộng du, thậm chí trẻ em cũng mắc bệnh.
Mộng du được coi là một biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ (parasomnias), là những hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ. Các hành động mà người mộng du thường làm là đi về phía có ánh sáng, ra khỏi giường và đi bộ, mặc quần áo hoặc ăn uống. Thậm chí người bệnh tiến hành một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo, lái ô tô đi một quãng đường dài… trong lúc thực sự đang ngủ. Trong khi một số khác chỉ ngồi trên giường và nhìn xung quanh.Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1 - 2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ NREM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.
Theo các nghiên cứu, có tới gần 30% số người trưởng thành từng mộng du trong cuộc đời với những mức độ khác nhau. Không còn ghi ngờ, mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ rất nổi bật, bên cạnh những rối loạn thường gặp khác như: ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, ngáy ngủ... Xét về góc độ y học, hiện tượng mộng du được xác định là một dạng rối loạn giấc ngủ nên không quá nguy hiểm. Nhưng những gì người bị mộng du làm mới gây nguy hiểm cho chính bản thân người trong cuộc lẫn những người xung quanh.Thực sự thì chưa ai dám khẳng định vì sao lại xảy ra hiện tượng mộng du, phải cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Như đã nói ở trên, mộng du xảy ra khi chúng ta đang ở trong giấc ngủ sâu, khi não bộ ít hoạt động nhất nhưng cơ thể lại chưa hoàn toàn nghỉ ngơi. Vậy hiện tượng mộng du là hiện tượng cơ thể hoạt động với một cỗ máy điều khiển đang ngủ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mộng du xảy ra do một điều gì đó đã tác động vào hệ thần kinh của chúng ta, khiến cho người bị mộng du bị lẫn lộn giữa trạng thái ngủ và thức.
Khi công bố nghiên cứu trên tạp chí Scientific American, Antonio Oliviero cho biết: "Ở trẻ em, đối tượng dễ gặp hiện tượng mộng du, trí não của chúng phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời, phát triển từ những đứa trẻ thò lò mũi xanh và chỉ 5 năm sau thôi đã có thể biết đọc, viết, điều này hoàn toàn không thể xảy ra trong những năm sau đó. Một số người cho rằng do trí não của trẻ trong những năm này chưa phát triển đầy đủ, não bộ của chúng không thể phân biệt được sự khác nhau của thức và ngủ, điều này dẫn đến hiện tượng mộng du. Những ý kiến khác thì cho rằng, não bộ của trẻ phát triển nhanh nhưng không đồng đều, có những phần của bộ não đã phát triển vượt quá những phần khác, điều này cũng có thể đã khiến cho hiện tượng mộng du xảy ra.".Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất hiếm người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Chính vì vậy, nếu có bố hoặc mẹ bị mộng du, con cái sẽ mắc mộng du cao tới 45%, nếu cả cha mẹ cùng bị mộng du thì tỉ lệ này tăng vọt tới 60%. Người bị trầm cảm có khả năng bị mộng du cao gấp ba lần, nhóm bị đau nửa đầu… có khả năng bị mộng du cao tới 4 - 6 lần so với nhóm người không mắc các chứng bệnh này.
Trẻ em có thể tự hết bị mộng du khi lớn lên hoặc có thể khỏi bằng cách giúp trẻ hết căng thẳng và sử dụng thời gian biểu hợp lý. Tuy nhiên, nếu như bạn là người lớn và đột nhiên xuất hiện hiện tượng mộng du, tốt nhất là bạn nên đến xin tư vấn của bác sỹ. Do chưa có thuốc đặc trị, giải pháp hiện tại là dùng các loại thuốc như benzodiazepin, thuốc thần kinh, làm chậm quá trình xử lý của cơ thể thông qua tăng cường GABA. Ngoài ra, còn có nhiều cách để ngăn chặn mộng du, như duy trì lối sống tích cực, năng vận động, tránh dùng các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, không ăn quá gần giờ đi ngủ, mỗi ngày nên duy trì giấc ngủ tốt cả về thời lượng và chất lượng, kể cả giấc ngủ trưa.