14:31 02/08/2024

Biên Hòa mưa là ngập và bài toán phát triển bền vững

Xuân Nghi

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vài năm gần đây hễ mưa là ngập. Vấn đề được đặt ra là bài toán về phát triển đô thị bền vững...

Biên Hòa hễ mưa là ngập. Ảnh: Tiểu Thiên.
Biên Hòa hễ mưa là ngập. Ảnh: Tiểu Thiên.

"Biên Hòa “tê liệt” vì ngập nặng", "Biên Hòa ngày càng ngập", "“sóng” trên đường phố Biên Hòa", "các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai bị tê liệt vì ngập",… là những cụm từ tràn ngập trên báo chí, truyền thông suốt từ đầu mùa mưa đến nay.

“ĐÔ THỊ NGẬP” BIÊN HÒA

Không chỉ Biên Hòa, mà nhiều tuyến đường nội thị nhiều nơi tại Đồng Nai cũng rơi vào ngập năng mỗi khi mưa lớn và kéo dài. Ngoài nguyên nhân do “ông Trời” thì vấn đề đầu tư hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ cũng là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý, chính quyền và người dân.

Từ khi lọt vào danh sách những “đô thị ngập”, chính quyền tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa đã cùng các cơ quan chức năng, giới chuyên gia ngồi lại cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục.

Nhiều dự án chống ngập lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã được triển khai; tuy nhiên đến nay, sau 8 năm “gồng mình chống lụt” (kể từ năm 2016), tình trạng ngập nặng sau mưa chẳng những không khắc phục được bao nhiêu mà còn ngày càng trầm trọng. Nhiều tuyến đường thậm chí ngập gần cả mét, các tuyến đường nội thành khác cứ mưa là ngập…

Ghi nhận mới nhất vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, sau những trận mưa lớn kéo dài, hàng loạt tuyến đường lớn ở thành phố Biên Hòa bị chìm trong nước như Đồng Khởi, Trần Quốc Toản, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, tuyến quốc lộ 51 qua địa bàn,…

Các địa điểm ngập sâu như bệnh Nhi Đồng tỉnh, bệnh viện Thống Nhất, các nơi khác ở huyện Trảng Bom ở các xã Quảng Tiến, Bình Minh, Phú Sơn, khu vực giáo thành phố Dĩ An trên tuyến quốc lộ 1K (tỉnh Bình Dương)… đều ngập trung bình từ 50 – 70 cm. Đặc biệt, thời điểm mưa lớn thường rơi vào lúc tan tầm khiến tình trạng kẹt xe vì mưa và ngập, giao thông chia cắt càng trầm trọng hơn.

Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai từ đầu mùa mưa đến nay cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo về tình trạng mưa dông kèm theo dự báo mực nước ngập đến người dân ở khu vực thành phố Biên Hòa.

Theo đài này, các trận mưa lớn sẽ gây ra ngập nước kéo dài từ 30 phút đến một giờ đồng hồ, mực nước ngập trung bình 50 cm… Đơn vị này cũng lưu ý người dân và chính quyền địa phương cần chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt do mưa lớn gây ra ở các khu vực trũng thấp, các địa bàn có hệ thống thoát nước chưa bảo đảm hoặc đang trong quá trình thi công sửa chữa.

Để khắc phục tình trạng ngập lụt trên, Đồng Nai hiện đang triển khai nhiều dự án chống ngập trên địa bàn; đặc biệt thành phố Biên Hòa cũng đang thực hiện một số dự án chống ngập, khơi thông dòng chảy, cải tạo hệ thống thoát nước ở nhiều tuyến đường.

Ban quản lý Dự án thành phố Biên Hòa cho biết hiện khu vực rốn ngập là ngã ba Trảng Dài (giao lộ Đồng Khởi – Bùi Hữu Nghĩa) đang được đầu tư từng hạng mục.

Cụ thể, sau khi đầu tư hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Huệ (dự án có kinh phí hơn 23 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 8/2023), đơn vị này bắt tay ngay vào thực hiện tiếp hạng mục còn lại trên tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, không để nước dồn từ điểm ngập này sang điểm ngập khác, sẽ không giải quyết dứt điểm điểm ngập, rốn ngập.

BÀI TOÁN VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, sau mỗi cơn mưa lớn thì hầu hết các tuyến đường nội thị của Biên Hòa đều chìm ngập trong biển nước, kể cả những vị trí đã xử lý chống ngập.

Giao lộ ngã ba Trảng Dài giao thông gần như tê liệt do nước ngập chảy xiết, xe cộ ngã đổ, chết máy la liệt, người đi đường phải dừng xe lại chờ nước rút, gây ùn tắc cục bộ.

Rac thải dân sinh vứt bỏ bừa bãi cũng là một tác nhân gây ngập cục bộ mỗi khi mưa về. Ảnh: Diệu Ly.
Rac thải dân sinh vứt bỏ bừa bãi cũng là một tác nhân gây ngập cục bộ mỗi khi mưa về. Ảnh: Diệu Ly.

Ngoài các nguyên nhân do hệ thống thoát nước đã quá cũ kỹ, lỗi thời, không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, còn có nguyên nhân từ việc xả rác bừa bãi của người dân trong khu vực.

Thói quen bỏ rác không đúng nơi quy định, xả rác ngoài đường phố, trên vỉa hè, tại nắp cống,… đã làm tắc nghẽn các cửa cống thoát. Nước ngập, rác cũng trôi theo gây ô nhiễm môi trường; khi nước rút, phố phường trở thành những “bãi rác” dã chiến, ngập ngụa.

Ý thức giữ gìn vệ sinh chung còn kém đã trở nên một tác nhân gây ngập cục bộ mà cư dân trong địa bàn đã và đang phải trả giá.

Nhiều dự án thoát nước, chống ngập khác tại các "điểm đen" ngập úng khác cũng được tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa triển khai, như khu vực Suối Chùa, Bà Lúa, Cầu Quan.

Dự án này nhằm hướng tới mục tiêu giảm ngập do mưa trong khu vực các phường Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa (thành phố Biên Hòa), quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn.

Một khó khăn nữa đến từ mặt bằng thi công. Theo đó, các dự án chống ngập, tiêu thoát nước đều nằm trong nội thị trên địa bàn dân cư đông đúc, mật độ giao thông cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công do người dân chưa sẵn sàng hoặc bàn giao mặt bằng chậm…

Bài toán về phát triển bền vững nói chung, phát triển bền vững các đô thị nói riêng từ lâu đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết, đòi buộc các nhà quản trị, nhà đầu tư và người dân đồng hành trách nhiệm. 

Các dự án đô thị hóa được cấp phép, xây dựng, phát triển nhanh chóng, trong khi hạ tầng thoát nước lại không được đầu tư đúng mức, đồng bộ, thậm chí đây đó còn tồn tại tư duy “xây nhà trước, thoát nước tính sau” đã dẫn đến hệ lụy là danh sách các đô thị ngập càng lúc càng dày lên.

Việc xử lý chống ngập, các phương án, dự án làm kiểu “da beo”, chưa được triển khai tập trung, tránh phân tán, sẽ không giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Ngoài ra, các chuyên gia về đô thị cũng khuyến cáo cần phải xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải tập trung, xử lý nước trước khi đổ ra đầu cuối là sông ngòi, không làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi sinh.