Bộ Giao thông vận tải ủng hộ đề xuất xây khu cảng Trần Đề, Sóc Trăng
Ủng hộ đề xuất của tỉnh Sóc Trăng về quy mô dự án khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc cảng biển loại đặc biệt; đồng thời đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tập trung nghiên cứu nguồn vốn, có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện theo quy định...
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất của tỉnh này về việc đầu tư xây dựng khu cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc loại cảng đặc biệt và cho biết điều này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải; ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, khu bến cảng Trần Đề được định hướng phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng khu cảng Trần Đề làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt. Bộ này đồng thời đề nghị tỉnh Sóc Trăng tập trung nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn (ngân sách hoặc ngoài ngân sách) để tổ chức thực hiện theo quy định.
Tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xem xét, chấp thuận việc đồng ý cho nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP), phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất dự án. Tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn triển khai sớm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến, kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.
Nhấn mạnh lĩnh vực cảng biển thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan trung ương theo quy định của Luật Hàng hải, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ, thống nhất tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.
Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu cảng Trần Đề được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa (hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cuối tháng 11/2022, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo quyết định phê duyệt chi tiết nhóm cảng biến, khu bến, cầu phao, vùng nước đối với nhóm cảng biển số 5 giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cũng theo Bộ này, khu bến Trần Đề là một trong các dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025 – 2030.
Được biết, từ tháng 4/2022, tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa.
Cụ thể, khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.
Theo đơn vị tư vấn và lập báo cáo, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đổng bằng sông Cửu Long.