Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, dự thảo có cấu trúc gồm 10 chương, 86 điều. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP xuất phát từ một số yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định mới được xây dựng theo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Doanh nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; Tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên, cổ đông.
Hơn nữa, dự thảo Nghị định mới cũng giải quyết các vấn đề liên quan đến liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhằm cắt giảm thủ tục hành chính…
Dự thảo về các biểu mẫu áp dụng trong đăng ký kinh doanh, trong đó cụ thể hóa các biểu mẫu hiện đang được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT và sửa đổi các nội dung biểu mẫu để đáp ứng yêu cầu của Đề án 06.
Đồng thời, bổ sung quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư; Bổ sung quy định tại 122/2020/NĐ-CP và bãi bỏ Nghị định này; về hướng dẫn Điều 215 Luật Doanh nghiệp; Đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Đăng ký kinh doanh đối với công ty chứng khoán.
Đối với nội dung về hướng dẫn Điều 215 Luật Doanh nghiệp, khoản 4 của Luật này quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan có liên quan, UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chịu trách nhiệm thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các thông tin về giấp phép đăng ký, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…
Bên cạnh đó, còn có các thông tin như: Quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; Tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế; Báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Phối hợp chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Hiện nay, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp chưa cụ thể hóa nội dung này. Do vậy, cần sớm nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01.