11:09 17/09/2024

Bộ Tài chính xử nghiêm hành vi trục lợi, đầu cơ nâng giá sau bão lũ

Trâm Anh

Lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết nhiều biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3 đang được triển khai nhằm ngăn tình trạng tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ nâng giá và ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ...

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.
Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.

Chia sẻ với báo chí về tình hình giá cả thị trường trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão số 3, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng cơn bão số 3 vừa qua tác động và gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải.

Vì vậy, hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến nhiều thời điểm khan hiếm cục bộ. Giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ tăng so với bình thường.

KHAN HIẾM CỤC BỘ ĐẨY GIÁ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM TĂNG

Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh, giá các loại rau thông thường, rau gia vị như: rau muống, mùng tơi, thì là, rau húng... vẫn tăng vọt so với trước bão. Cùng với đó, một số thương nhân lợi dụng tình hình này tăng giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Tại một số quán cơm bình dân, nhiều người phản ánh tình trạng giá một số món ăn điều chỉnh tăng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cũng ban hành Công điện số 03/CĐ-BTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3.

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua và nhất là dịp xảy ra bão số 3, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị, bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đặc biệt, trong quản lý điều hành thì không thể thiếu sự tham gia tích cực của hoạt động truyền thông nên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân.

"Từ đó, người dân nắm bắt thông tin trong công tác quản lý và điều hành giá, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ", ông Bình nhấn mạnh.

PHẠT NẶNG KHI LỢI DỤNG THIÊN TAI ĐỂ TĂNG GIÁ

Với các địa phương, trong Công điện số 03, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính cũng như chủ động trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình giá cả thị trường của những mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp xử lý trong các tình huống liên quan tới hoạt động về quản lý, điều hành giá.

 

"Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi".

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Các địa phương cần nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chịu thiệt hại của bão lũ.

Triển khai các hoạt động sản xuất tạo nguồn sản phẩm cung ứng góp phần ổn định thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Các đơn vị cũng cần chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Các sở tài chính chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để kịp thời tham mưu cho uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành phù hợp với thực tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá.

"Các bộ, ngành theo phạm vi, lĩnh vực ngành hàng quản lý, uỷ ban nhân dân các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá", lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Theo Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá từ 50 - 80 triệu đồng với cá nhân và đối với tổ chức mức xử phạt sẽ từ 100 - 160 triệu đồng. đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Cùng với đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do gian lận vào ngân sách nhà nước.