07:00 07/06/2023

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ như Việt Nam

Đỗ Phong

Trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn người, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn người. Người đứng đầu ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững...

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu thực trạng, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Qua thông tin nắm được từ công nhân lao động Tp.Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng lớn nhất vẫn là sự bất an của người lao động đối với sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.

Công nhân xem bảo hiểm xã hội là của để dành của cá nhân mình, nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống. Đại biểu Thúy đã hỏi Bộ trưởng Dung giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào?

QUAN NGẠI TÌNH TRẠNG RÚT BẢO HIỂM 1 LẦN GIA TĂNG

Trong phần trả lời chất vấn, khi nói về nguyên nhân của tình trạng đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả...

Theo đó, khi đời sống khó khăn, thu nhập thấp nên người lao động nghĩ ngay một khoản để dành phải rút. 

Bên cạnh đó, đối tượng rút bảo hiểm một lần mấy năm vừa qua gia tăng, trong đó, xảy ra chủ yếu ở 2 khu vực công nhân và khu vực phía Nam (chiếm tới 72%), còn phía Bắc và miền Trung ít hơn.

Theo Bộ trưởng, không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam. Điều 60 của Luật Bảo hiểm 2014 có hiệu lực 2016 rất nhân văn, quy định 4 điều kiện để rút bảo hiểm một lần nhưng sau đó khi luật chưa có hiệu lực, chúng ta ban hành Nghị quyết 93 và cho rút bảo hiểm một lần, ai có nhu cầu thì rút.

"Tôi cũng đã mời trực tiếp chuyên gia được Liên Hợp quốc đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm sang “tính kế” cách nào khắc phục điều này. Chuyên gia này nói Việt Nam hào phóng quá, hòa phóng cả chuyện cho hưởng 75%. Đương nhiên bây giờ chữa là khó", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ như Việt Nam - Ảnh 1

Trong khi thông lệ quốc tế chỉ cho rút chủ yếu trong 2 trường hợp: Khi mắc bệnh nan y và đối tượng chuyển sang định cư ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, rút tự do, bằng quyền của công dân, không thể cấm được.

Thứ ba, quyền lợi khi rút rất cao, đóng có 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp. “Thực ra phải hiểu số đóng của Nhà nước và doanh nghiệp cũng là cho người lao động, nên dẫn đến nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn nên rút, sau đó một thời gian lại tham gia”.

Bộ trưởng nêu thực tế và thông tin, không phải tất cả khi rút bảo hiểm 1 lần không quay trở lại. Hiện nay khoảng 1/3 số người rút bảo hiểm đã quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm. Vừa qua chúng tôi để ý có một nguyên nhân nữa làm chưa tốt, đó là việc tổ chức tuyên truyền, vận động. Tại Hà Nội, cứ 10 người đi rút khi được vận động, thuyết phục thì 6 người trở lại không rút nữa. Do đó, ngoài chính sách phải tính toán một cách căn cơ cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Vấn đề này cũng được các đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang), đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, con số rút bảo hiểm xã hội một lần từ 500.000 người/năm lên đến 900.000 người/năm là rất đáng quan ngại. Theo đại biểu, rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng của người đóng cần được tôn trọng.

Bên cạnh đó phải làm sao để bảo đảm quỹ bảo hiểm này ổn định và phát triển. Đây là một vấn đề rất khó. "Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng là phải giải quyết theo hướng tăng lợi ích, nhưng tôi hy vọng đảm bảo được lợi ích cho người gửi và sự ổn định, phát triển của quỹ", đại biểu đoàn Hà Nội bày tỏ.

ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI 20 NĂM MỚI ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG HƯU, NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CHỜ ĐƯỢC

Cơ bản thống nhất với ý kiến này, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, mong muốn của người lao động Tp. Hồ Chí Minh nói riêng  đó là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và tính ổn định lâu dài. Đại biểu cho rằng mong muốn của người lao động là cần làm rõ việc quyền lợi để an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Bộ trưởng, cải thiện đội sống người lao động là nguyên nhân sâu xa nhất. Hai là thời gian qua khi có thông tin thay đổi chính sách, dẫn đến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Do đó, nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ thì có lẽ mức độ sẽ không nhiều như vừa qua.

Nhấn mạnh việc cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, người đứng đầu ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không đợi được, nhất là ở những ngành lĩnh vực ngành thâm dụng lao động. Quan điểm của Bộ là giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm theo thông lệ quốc tế, tương ứng là đóng ít hưởng ít, bên cạnh đó nguyên tắc chia sẻ có nguyên tắc đóng hưởng và bình đẳng.

Bộ tưởng cũng cho biết thêm, việc dừng rút bảo hiểm 1 lần là vấn đề khó khăn nhưng có quy định về điều kiện, trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào, trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét quyết định.

Thời gian qua một bộ phận người dân người lao động gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Về có cần gói hỗ trợ không, cơ quan tham mưu đang đánh giá kĩ thực trạng tình hình, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với việc giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người gửi và giữ tính ổn định của Quỹ. Để làm được điều này, đại biểu đề xuất nên cân nhắc phương án trong 5 năm đầu tiên nếu người đóng rút thì chỉ được tra lại bằng đúng số tiền đã đóng và gia tăng dần quyền lợi cho người đóng trong những năm tiếp theo.

 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Năm 2021 đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị Covid-19, trong đó những người ảnh hưởng là 30,8 ngàn tỷ đồng. Năm 2023 thì số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng. Hiện Bộ đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Thường vụ Quốc hội. Theo đó gói sẽ chi khoảng 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng.