07:00 12/05/2023

Đề xuất có giám định y khoa khi mắc bệnh mới được rút bảo hiểm một lần

Nhật Dương

Người mắc các bệnh, tật phải có kết quả giám định không đủ khả năng lao động và trong hồ sơ phải có bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Giám định Y khoa mới được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo đề xuất của Bộ Y tế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm: Đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định theo quy định của Bộ Y tế; sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Y tế cho rằng, việc quy định cụ thể các bệnh không bao quát hết được các trường hợp để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất người để được hưởng chế độ này phải dựa trên kết quả giám định y khoa.

Cụ thể, người mắc các bệnh, tật phải có kết quả giám định không đủ khả năng lao động và trong hồ sơ phải có bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Giám định Y khoa.

Đối với chế độ ốm đau, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc bổ sung quy định trường hợp người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A điều trị, hoặc được cách ly tại nơi không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ví dụ như tại nhà, tại khu cách ly tập trung,... được hưởng chế độ ốm đau.

Về thời gian hưởng chế độ ốm đau, dự thảo Luật quy định: "Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên".

Tuy nhiên, ngày 12/11/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cân nhắc không giao nhiệm vụ quy định Danh mục nghề, công việc này cho Bộ Y tế.

Ngoài ra, liên quan đến điều kiện hưởng chế độ ốm đau, dự thảo Luật cũng quy định trường hợp không được hưởng do nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng trên thực tế rất khó xác định được như thế nào là điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do vậy, Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vấn đề này để xác định đúng đối tượng không được giải quyết chế độ ốm đau.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chế độ ốm đau được thực hiện đã góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi họ không may bị ốm hoặc tai nạn rủi ro phải nghỉ việc, hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.

Theo số liệu thống kê, số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không ngừng tăng lên qua các năm, trong 6 năm từ năm 2016 đến 2021 đã có gần 45 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.