Bộ trưởng Tài chính đề nghị giao quyền quyết định giá, chi phí định mức xăng dầu cho Bộ Công thương
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị giao toàn diện quản lý xăng dầu về cho Bộ Công Thương, gồm cả quyền quyết định giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động...
Tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh ngày 28/10, các đại biểu Quốc hội đều thẳng thắn đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những giải pháp phù hợp, không để tình thế biến động xăng dầu như thời gian vừa qua.
KIẾN NGHỊ RÀ SOÁT LẠI QUY TRÌNH ĐIỀU HÀNH XĂNG DẦU
Cụ thể, tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, chỉ rõ thời gian vừa qua, tình trạng khan hiếm xăng dầu, biến động về cung ứng mặt hàng xăng dầu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về quản lý mặt hàng này.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính rà soát quy trình quản lý, điều hành xăng dầu, từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, có chính sách thuế phù hợp, đánh giá lại việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát kịp thời, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu, xây dựng các kho trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài, để tăng cường khả năng đối phó với các diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm phê duyệt đề án mở rộng, nâng cấp quy mô nhà máy xăng dầu Dung Quất, thành lập trung tâm năng lượng dầu khí quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi để phát triển công nghiệp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
CẦN CÓ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT GIÁ XĂNG DẦU
Cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tự chủ về nguồn nguyên vật liệu trong nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đề nghị Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, đặc biệt là kiểm soát giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Việc chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm và nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước cũng sẽ góp phần giảm lạm phát.
"Song song với đó, cần có biện pháp để tránh tình trạng khi giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo nhưng khi giá xăng dầu được hạ xuống cấp, mặt hàng khác lật nằm im bất động, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân", bà Thái nhấn mạnh.
Điểu đó, theo Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, rất quan trọng, nhất là theo dự kiến tới đây, Chính phủ tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại là lý do để các mặt hàng khác tăng theo, khiến cho chính sách tăng lương cơ sở có thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra…
Giải trình về các vấn đề điều hành xăng dầu được nhiều đại biểu quan tâm trong cuối phiên chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết nhu cầu xăng dầu 19,2 triệu m3/tấn/năm.
Trong đó, trong 9 tháng đầu năm, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất đạt 4,4 triệu tấn, đạt sản lượng đề ra là 70% kế hoạch nhưng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ sản xuất 6,8 triệu tấn, tức mới đạt 43%, như vậy vẫn thiếu hụt nguồn cung.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới có 19/33 đầu mối nhập 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Đáng nói, riêng quý 3, nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu.
“Đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước diễn biến biến động bất thường giá xăng dầu, Bộ trưởng cho hay đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường tương đương 28.000 tỷ đồng; giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%. Đồng thời, có hai lần điều chỉnh tăng chi phí vận chuyển, như vậy, mỗi lít xăng RON92 có mức chi phí vận chuyển và quản lý chiếm tới gần 2.000 đồng/lít.
Tư lệnh ngành Tài chính cho biết thêm, Bộ Tài chính đã hai lần có văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối về rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu làm căn cứ điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ nhận được văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), còn ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.
“Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó, giao toàn diện quản lý xăng dầu về cho Bộ Công Thương, gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất. Đồng thời, cần tăng cường chủ động phối hợp trong nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức, từ đó, giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất.