16:52 26/12/2021

Bội chi năm 2022 sẽ tăng do gói hỗ trợ, nhiệm vụ huy động vốn đè nặng Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm đẻ bắt nhịp được với hoạt động thu chi trong gói phục hồi kinh tế...

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhìn nhận, năm 2022, nhiệm vụ đặt ra với ngành tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng là rất nặng nề.

Ông Hưng cho rằng, trước hết, trong công tác huy động vốn, năm 2022, dự đoán bội chi sẽ tiếp tục tăng và hiện tại, Chính phủ đang trình Bộ Chính trị để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đầu năm chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế.

Vì vậy, nhiệm vụ huy động vốn sẽ là khá nặng nề, đòi hỏi Kho bạc Nhà nước phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Cùng với đó, công tác kiểm soát vốn đầu tư cũng cần tiếp tục tăng cường trong năm tới vì sẽ có những dự án mới trong gói phục hồi kinh tế.

Về cải cách hành chính, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước cần thực hiện đẩy mạnh cơ chế chính sách, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường kiểm soát rủi ro để bảo đảm thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng.

Do từ ngày 1/1/2022, một số cơ chế, chính sách mới quy định về quản lý thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công bắt đầu có hiệu lực, nên Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị Kho bạc Nhà nước chủ động xây dựng chương trình tập huấn các quy định mới tới các kho bạc cơ sở.

“Hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, vậy nên Kho bạc Nhà nước Trung ương cần đôn đốc các Kho bạc Nhà nước ở địa phương chủ động, tích cực, kịp thời phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện ngay việc kiểm soát thanh toán vốn cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng lưu ý.

Đánh giá về kết quả công tác năm 2021, lãnh đạo Bộ tài chính đã ghi nhận nỗ lực của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong việc góp phần vào thành công chung của ngành tài chính. Trong năm qua, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải đáp ứng nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Kho bạc Nhà nước đã đồng hành với các cơ quan tài chính, ngành lao động, thương binh và xã hội nhanh chóng giải quyết các chính sách, chế độ cho người dân, giải quyết khó khăn cho người lao động.

Về điều hành ngân quỹ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã bảo đảm công tác chi ngân sách ngày càng chủ động; luôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan kiểm soát thanh toán, các giao dịch thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm giải ngân vốn kịp thời cho các dự án.

Kho bạc Nhà nước đã bảo đảm minh bạch trong quy trình, hồ sơ thanh toán, rút ngắn thời gian thanh toán nhằm đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư, đồng thời có các báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư công định kỳ, đột xuất. Trên cơ sở đó, các số liệu tình hình giải ngân, các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, kiến nghị đã được Bộ Tài chính báo cáo cụ thể, làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo điều hành kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ cũng tương đối thành công với kì hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn và số lượng phát hành nhiều hơn.

Tính đến hết ngày 15/12/2021, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng, bằng 107,11% so với dự toán năm 2021 được giao. Trong số đó, thu ngân sách Trung ương đạt 101,13% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 114,44% so với dự toán năm.

Trong năm 2021, tính đến ngày 15/12, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Thông qua kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Kho bạc Nhà nước cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỉ lệ 100%; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách Nhà nước phát sinh hằng tháng đạt trên 99%.

Ngoài ra, cơ quan này cũng tiếp tục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, như: nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2025; mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân sách nhà nước tại các ngân hàng thương mại; mở rộng địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản…