10:59 22/01/2016

“Bóng ma” Donald Trump ám ảnh Davos

An Huy

Việc Trump có thể trở thành ông chủ Nhà Trắng đang gây lo ngại tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump.<br>
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump.<br>
Khả năng tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đang là “bóng ma” ám ảnh hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ. Nhiều đại biểu WEF hy vọng Trump sẽ không trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa, nhưng cũng có không ít người cho rằng điều đó sẽ xảy ra.

“Tôi cho rằng hai đại diện đảng sẽ là Donald Trump của phe Cộng hòa và Hillary Clinton của phe Dân chủ”, ông Donald Baer, một cựu cố vấn Nhà Trắng thời Tổng thống Bill Clinton, phát biểu. “Năm tới sẽ là một thời kỳ nhiều bất ổn và xáo trộn”.

Việc Trump có thể trở thành ông chủ Nhà Trắng đang gây lo ngại đối với 2.500 lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp dự WEF năm nay. Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là bầu cử sơ bộ diễn ra ở Mỹ, và Trump vẫn đang dẫn đầu trong số các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.

Những người lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sai lầm trong quản lý kinh tế đang lên tiếng phản đối “ông trùm” bất động sản.

“Tôi cho rằng nếu Trump thành Tổng thống, thì nạn nhân sẽ là lĩnh vực thương mại. Đó là một tình huống rất nghiêm trọng đối với thế giới”, ông Eric Cantor, cựu thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, người hiện là Phó chủ tịch Moelis & Company, nhận định.

Cantor không cho rằng Trump sẽ vượt qua được cuộc bầu cử sơ bộ. Nhiều đại biểu đang có mặt tại Davos cũng tin vậy, nhưng vẫn không ngừng nói về Trump.

Những tuyên bố “hùng hổ” của Trump như “cấm cửa” người Hồi giáo, hay xây tường ngăn giữa biên giới Mỹ với Mexico, đang khiến vị tỷ phú này vấp phải sự chỉ trích lớn tại WEF năm nay.

Ngoài ra, Trump cũng đổ lỗi cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài khiến người Mỹ mất việc làm. Hôm thứ Ba tuần này, Trump nói, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ “bắt Apple phải bắt đầu sản xuất những chiếc máy tính chết tiệt và những thứ khác của họ” ở Mỹ thay vì ở Trung Quốc.

Một chính quyền do Trum lãnh đạo sẽ là “thảm họa”, theo bà Beth Brooke-Marciniak, Phó chủ tịch phụ trách mảng chính sách công thuộc công ty tư vấn, kiểm toán Ernst & Young LLP, người từng là cố vấn của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton.

“Thế giới cần một nước Mỹ mạnh. Mỹ vẫn là con ngựa kéo xe, và vai trò này càng lớn khi các dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi”, bà Brooke-Marciniak nói.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay cho thấy Mỹ không miễn nhiễm trước làn sóng chủ nghĩa dân túy (populism) đang lan rộng khắp toàn cầu.

Trong trường hợp của Mỹ, nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn các quốc gia phát triển khác từ sau suy thoái toàn cầu 2008-2009, trong khi tiền lương chưa tăng kịp với tốc độ tăng của lợi nhuận doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi thế cho những cử viên như Trump và Bernie Sanders - những người nói hệ thống của Mỹ hiện nay chống lại người dân bình thường của nước này.

Dù Trump là chủ đề được nói đến nhiều ở WEF, không có nhiều đại biểu tại sự kiện này cho rằng Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.

“Tôi ngạc nhiên là tại Davos lại có nhiều người nói về Trump đến vậy. Tôi cho rằng dù ai trở thành đại diện của phe Cộng hòa, thì bà Hillary vẫn sẽ thắng”, ông Martin Sorrell, Giám đốc điều hành của WPP, nhận xét.

Theo ông Sorrell, vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sẽ thuộc về Trump hoặc Thượng nghị sỹ Ted Cruz của bang Texas.