10:02 01/12/2020

Bức tranh ngành logistics chưa đều màu

Hương Loan

Không chỉ ảnh hưởng từ đại dịch, bản thân ngành logitics vẫn còn nhiều hạn chế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2020, số lượng doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập mới giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 4.513 doanh nghiệp). Từ đầu năm đến hết tháng 10/2020 cũng có 2.366 doanh nghiệp vận tải, kho bãi tại nước ta đã hoàn tất thủ tục giải thể.

NHU CẦU DỊCH VỤ VẬN TẢI GIẢM MẠNH

Tháng 10/2020, tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa của nước ta ước đạt 164 triệu tấn, tăng 3,7% so với tháng 9/2020 và giảm 8,7% so với tháng 10/2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, vận tải hàng hóa đạt 1,43 tỷ tấn hàng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 273,6 tỷ tấn.km, giảm 8,8%.

Trong đó, vận tải trong nước trong 10 tháng năm 2020, đạt 1,403 tỷ tấn giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa đạt 145,6 tỷ tấn.km, giảm 12,2%. Vận tải hàng hóa ngoài nước đạt 26,3 triệu tấn, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2019. Luân chuyển đạt 127,9 tỷ tấn.km, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

"Như vậy, xét theo cơ cấu trong nước và ngoài nước, hiện nay vận chuyển hàng hóa trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chính (98,45%) trong khi vận tải ngoài nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ (1,55%)", Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (VITIC), Bộ Công Thương nhận định.

Mặt khác, vận tải hàng hóa nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, với tỷ trọng lớn nhất (khoảng 74,35% tổng khối lượng vận chuyển trong tháng 10/2020). Tiếp theo là đường thủy nội địa (20,97%), đường biển (4,42%). Trong khi đó tỷ trọng của đường sắt và đường hàng không rất thấp, lần lượt là 0,22% và 0,01%.

Vận tải hàng hóa bằng đường sắt khi tăng trong tháng 9/2020 đến tháng 10/2020 đã quay đầu giảm. Vận tải hàng hóa bằng đường bộ trong tháng 10/2020 tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái nhưng tính chung 10 tháng năm 2020 vẫn thấp  hơn cùng kỳ năm 2019.

Sau khi sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa diễn biến khả quan hơn từ tháng 5/2020 đến nay. Tháng 10/2020 đã đạt 34,41 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng 9/2020 nhưng vẫn giảm 31,2% so với tháng 10/2019.

Theo VITIC, trong số các phương thức vận tải, hàng không ghi nhận mức giảm mạnh nhất cả về khối lượng vận tải và luân chuyển. Tuy nhiên trong tháng 10/2020 đã có những chuyển biến nhất định. Trong đó, mức lưu chuyển hàng hóa tháng 10/2020 tăng 21,8% so với tháng trước nhưng vẫn giảm sâu tới 38,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các hãng hàng không trong nước dù đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, nhưng quy mô còn nhỏ so với các hãng nước ngoài, chủ yếu tập trung khai thác máy bay hành khách mà chưa có đầu tư  vào máy bay chuyên chở hàng hóa. Hiện nay, các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế (gần 90%). 

Còn theo số liệu sơ bộ của Cục Hàng hải Việt Nam, tháng 10/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt gần 58 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. 

Với việc dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, tình hình kinh tế – xã hội về cơ bản đã trở lại bình thường, hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách cũng sôi động hơn, mặc dù vẫn thấp hơn hơn so với mặt bằng 2019.

DỊCH VỤ VỆ TINH CHƯA MẠNH

Không chỉ ảnh hưởng từ đại dịch, bản thân ngành logitics vẫn còn nhiều hạn chế. Riêng với các dịch vụ kho bãi, báo cáo logistics Việt Nam 2020 của Bộ Công Thương chỉ ra, hiện nay 53,7% doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ kho bãi. Trong đó, kho bãi đông lạnh và dây chuyền cung ứng hàng đông lạnh đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hoá, song quy hoạch kho lạnh hiện chưa đồng bộ trên cả nước, mới đáp ứng 30-35% nhu cầu.

Tính đến tháng 12/2019 cả nước có 48 kho lạnh, công suất 600.000 pallets. Trong đó, miền Nam có 36 kho lạnh, miền Trung có 1 kho, miền Bắc 11 kho. Nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 80%. Tỷ lệ sử dụng kho mát thấp. Còn với xe lạnh, cả nước có hơn 700 xe và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh. Theo khảo sát của Công ty CEL Consulting trong năm 2020, chỉ 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, thấp hơn rất nhiều so với con số 66,7% của nhà xuất khẩu.

Đối với dịch vụ kho ngoại quan, cả nước có 96 kho, trong đó có cả kho lạnh. Số lượng tập trung chủ yếu ở phía Nam và khu vực Hải Phòng – Bắc Ninh, phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp sản xuất. 

Với dịch vụ giao nhận, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện có khoảng 80,3% doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá quốc tế và nội địa. Đây là thế mạnh của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Do tác động của Covid-19, doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá bị giảm sút nhiều, khoảng 20-50%. Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các doanh nghiệp giao nhận, vận tải đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng blockchain, điện toán đám mây, AI... vào dịch vụ nhằm hạ thấp chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dịch vụ đại lý hải quan tiếp tục là một trong những dịch vụ cung cấp chính của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Có 87,7% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý hải quan trên toàn quốc hiện nay. Đánh giá của Bộ Công Thương, chất lượng cung cấp dịch vụ đại lý hải quan đã được nâng lên, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại hàng hoá. Tính hết tháng 5/2020, cả nước có 1.232 đại lý hải quan với khoảng 3 nghìn đại lý viên được cấp phép. 

Nhưng Bộ Công Thương cũng thừa nhận, tồn tại lớn nhất của đại lý hải quan chính là nhiều đại lý chưa được thay mặt chủ hàng dùng chữ ký số của đại lý để thực hiện các công việc kiểm tra chuyên ngành. Do đó, cần mở rộng dịch vụ này cả về số lượng, chất lượng để tạo thuận lợi cho thương mại hàng hoá hơn. 

ĐỊNH HÌNH HƯỚNG ĐI MỚI

Để phát triển ngành logistics, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan tới logistics, để một mặt vẫn đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ, mặt khác định hình các hướng đi mới, thậm chí mang tính bứt phá cho ngành. 

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, theo đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" đã được Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu với dịch vụ logistics và vận tải: đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-15% GDP; xếp hạng theo chỉ số hiệu quả logistics  trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. 

Do đó, để đạt các mục tiêu trên, ông Hải cho rằng, cần kiện toàn Uỷ ban 1899 và cơ quan thường trực theo hướng tích hợp nhiệm vụ điều phối phát triển logistics đảm bảo mô hình tinh gọn, phát huy vai trò của các bộ, ngành. Đồng thời sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt.

Đồng thời, xây dựng đề án cải cách thể chế để khuyến khích các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics như các nền tảng giao dịch dịch vụ vận tải hàng hoá, vận tải hành khách... Cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường thương mại điện tử, sàn giao dịch online, thanh toán online...

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện tại, ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức nhằm khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có. Thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...