13:16 26/09/2022

Các địa phương đã sẵn sàng ứng phó với bão Noru

Chu Khôi

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru (bão số 4) được dự báo sẽ đi vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên trong vài ngày tới, các tỉnh khu vực miền Trung đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại về người và tải sản…

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống bão số 4 (bão Noru).
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống bão số 4 (bão Noru).

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, cho biết tình hình triển khai ứng phó với bão Noru đến sáng 26/9, các địa phương ven biển vẫn đang khẩn trương kiểm đếm, hướng dẫn các tàu thuyền trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để vào bờ.

Đồng thời hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khí có các tình huống sự cố xảy ra.

Đối với các huyện vùng núi, đang chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra…

CẤM BIỂN, DỰ TRỮ LƯƠNG THỰC

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Đến hết ngày và đêm 25/9 toàn tỉnh vẫn còn 17 phương tiện/156 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển, những người và phương tiện trên dự kiến sẽ vào bờ sáng ngày 26/9. Trước đó, để chủ động ứng phó với bão Noru, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25/9.

Về nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 9.215 lồng nuôi cá. Tính đến ngày 25/9, còn khoảng 3.200 ha nuôi ao và 3.519 lồng bè nuôi trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo ráo riết phòng chống bão tại các lồng bè nuôi trồng, đồng thời đưa toàn bộ người dân ở những khu vực này lên bờ.

 

"Đến thời điểm hiện tại các tỉnh miền Trung đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu/300.128 lao động. Trong 24 giờ tới, cần phải kêu gọi 127 tàu cá hiện đang còn trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn".

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai 

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế rà soát phương án sơ tán, di dời 74.861 hộ dân/276.095 nhân khẩu tại vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Trong đó, ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã lên phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu, lực lượng, phương tiện phục vụ phòng chống bão.

Theo đó, Sở Công Thương đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Tại tỉnh Quảng Bình, đến sáng 26/9 Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã kêu gọi 6.276 tàu thuyền với hơn 19.000 lao động vào nơi tránh trú an toàn. Hiện còn 43 tàu thuyền với 2.787 lao động đang hoạt động trên biển cũng đã nắm được thông tin của bão.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả vận tải và tàu du lịch).

Đồng thời hướng dẫn di chuyển thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm và kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động 100% quân số của đơn vị đã sẵn sàng quân tư trang, cơ sở vật chất sẵn sang hành quân lên đường làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa lũ có thể xảy ra.

Ông Đình Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, cho biết trên địa bàn huyện Minh Hoá cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 1.000 nhà phao chống lũ. Số nhà phao bè này chủ yếu tập trung tại xã Tân Hóa, Minh Hóa, là nơi thường xuyên bị lũ cô lập và ngập sâu.

ĐÀ NẴNG ĐÃ CÓ PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN ĐẾN NƠI AN TOÀN

Hiện Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan đang dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại một số tỉnh, thành phố ở miền Trung.

 

Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với 213.914 hộ/868.230 người. Trong đó, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

Chiều 25/9, ông Lê Minh Hoan đã cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Thông tin tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết đã có 696 tàu về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (gồm Đà Nẵng: 276 phương tiện; Quảng Ngãi: 256 phương tiện; Quảng Bình: 06 phương tiện; Thừa Thiên Huế: 80 phương tiện; Bình Định: 56 phương tiện; Quảng Nam: 11 phương tiện).

Hiện tại, thành phố Đà Nẵng còn 39 tàu với hơn 400 ngư dân đang hoạt động trên biển ảnh hưởng của bão. Thành phố Đà Nẵng cũng đã hoàn thành công tác thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Đã cắt tỉa gần 50.000 cây xanh. Thành phố đã sẵn sàng triển khai các các phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin: “Ngoài đảm bảo an toàn cho các tàu cá, thành phố Đà Nẵng cũng đã hoàn thành việc di dời các tàu chở dầu ra khỏi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang di chuyển đến nơi neo đậu an toàn, đảm bảo phóng cháy chữa cháy. Ngoài ra, ở các vùng nguy hiểm, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, thành phố đã có các phương án di dân đến nơi an toàn. Đã bố trí các địa điểm, lương thực để cho người dân sơ tán”.

Các tàu thuyền đã tập kết về âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng.
Các tàu thuyền đã tập kết về âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai thành phố Đà Nẵng sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông. Tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão.

Đặc biệt, rà soát các phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu ven biển quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu, các vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện Hòa Vang.

 
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài cấm biển, các địa phương cần xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Vì mưa lớn thì đường quốc lộ, đường sắt có khi cũng ngập lụt, đi lại rất nguy hiểm. Cần tính cả khả năng cấm người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ. Bởi khi gió giật thổi bay biển quảng cáo, mái tôn thì ra khỏi nhà là có rủi ro.  Đề nghị các địa phương xem xét. cấm từ Thanh Hoá, Quảng Bình không cho xe đi vào bên trong, từ Ninh Thuận không cho xe chạy ra các tỉnh bên ngoài”. 

Về lực lượng tại chỗ cần chủ động phương tiện liên lạc, xe cộ, lương thực, thực phẩm... đủ dùng tối thiểu 7 ngày. Bởi hậu quả những cơn bão mạnh như thế này có thể gây chia cắt đường đi, liên lạc.