13:45 17/07/2023

“Cân đong” chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, đưa nền kinh tế vượt khó

Trâm Anh

Tốc độ thu ngân sách nhà nước vài tháng gần đây có dấu hiệu đuối sức dù vẫn kịp hoàn thành 54% dự toán. Những tháng cuối năm, áp lực hoàn thành dự toán ngân sách sẽ tăng dần nhưng dư địa sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ vẫn còn để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp và đưa nền kinh tế vượt khó...

Thu nội địa tháng 6 chỉ đạt 70,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,3% dự toán, giảm sâu so với trung bình 5 tháng đầu năm.
Thu nội địa tháng 6 chỉ đạt 70,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,3% dự toán, giảm sâu so với trung bình 5 tháng đầu năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước tháng 6 ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,8% dự toán và giảm tới 10% so với tháng trước đó. Lũy kế 6 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 57,1% dự toán và thu ngân sách địa phương bằng 50,6% dự toán.

TỐC ĐỘ THU CHẬM DẦN

Tốc độ thu ngân sách giảm rõ rệt so với cùng kỳ, khi nửa đầu năm 2022 thu ngân sách nhà nước ước đạt tới 67,4% dự toán; số thu tuyệt đối nửa đầu năm 2023 cũng giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm chịu nhiều sức ép do nền kinh tế vừa gắng gượng phục hồi hậu Covid-19, lại liên tiếp đối mặt với nhiều bất ổn mới phát sinh từ quốc tế cũng như nội tại, khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,72% và giảm sâu so với những kịch bản dự báo trước đó.

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận trong 6 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội trong nước có những diễn biến không thuận lợi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức lớn.

Bên cạnh đó, lãi suất có xu hướng giảm nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn rất khó khăn, chi phí vốn tiếp tục tăng cao. Thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn pháp lý các dự án chưa được giải quyết triệt để. Giải ngân vốn đầu tư dù cao hơn cùng kỳ nhưng thấp hơn kế hoạch và không đồng đều.

 

Đối với khoản thu quan trọng từ nội địa, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu nội địa tháng 6 chỉ đạt 70,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,3% dự toán, giảm sâu so với trung bình 5 tháng đầu năm (9,7%). Thực hiện thu 6 tháng ước đạt 718,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 64,1% dự toán).

Chịu nhiều sức ép từ biến động kinh tế thế giới, nhiều quốc gia ngấp nghé bờ vực suy thoái khiến kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm sâu 15,2% so với cùng kỳ, gây ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Trong tháng 6, thu cân đối từ xuất nhập khẩu đạt 18,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 126,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán năm, giảm 20,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô tháng 6 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm và giảm 15% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất dự toán 150 nghìn tỷ đồng, ước thu 6 tháng đạt 47,6 nghìn tỷ đồng, với tiến độ thu chậm mới bằng 31,7% dự toán. Bên cạnh đó, do thị trường bất động sản trầm lắng, số thu tiền sử dụng đất nộp ngân sách trong nửa đầu năm giảm mạnh, chỉ bằng 43,2% so với cùng kỳ.

Các khoản thu nội địa còn lại (không kể tiền sử dụng đất, xổ số, thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước) dự toán là 1.069,4 nghìn tỷ đồng, thực hiện thu ước 6 tháng đạt 577,9 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 1,6% so với cùng kỳ.

Dù vậy, một số khoản thu, sắc thuế chính vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định khi thu từ 3 khu vực kinh tế ước đạt 54,7% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt gần 98 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, với mức tăng trưởng tốt 10,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 119,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52% và tăng 0,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 171,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,8% và tương đương cùng kỳ năm trước.

"SỨC KHOẺ" DOANH NGHIỆP YẾU DẦN

Điện tử là ngành hàng thế mạnh, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và xuất siêu nhiều năm nhưng hiện phải trải qua khó khăn chưa từng có. Ngành hàng này phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp đầu chuỗi và là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên khi thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản gặp khó khăn đều giảm mua hàng từ Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu trên 10 tỷ USD đều giảm từ 8,2 - 17,9% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9%, chỉ mang về 24,3 tỷ USD; máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 25,2 tỷ USD, giảm 9,3%.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết hiện những khó khăn từ nội tại cũng như từ khách quan đều thẩm thấu vào doanh nghiệp, khiến sức chịu đựng và khả năng chống chọi của doanh nghiệp điện tử ngày càng yếu đi.

Cũng theo bà Hương, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang dừng sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch và suy giảm của sản xuất điện tử toàn cầu, chính sách của Chính phủ đến doanh nghiệp chưa kịp thời, chưa phù hợp. “Chúng tôi không thấy doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi mùa dịch Covid-19 mà Chính phủ triển khai”, bà Hương bộc bạch.

 

"Có những doanh nghiệp nợ đọng thuế VAT nhưng phải vay ngân hàng để trả nợ, số tiền nợ đọng từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng, hút sạch hết vốn của doanh nghiệp. Chính sách đưa ra “kẽo kẹt” từ tháng 10, 11/2022 đến tháng 3/2023 mới dỡ bỏ khiến doanh nghiệp khốn đốn, mất đơn hàng", bà Hương bày tỏ.

Bên cạnh đó, quy định của hải quan về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng gây nhiều vướng mắc, khiến doanh nghiệp làm hàng gia công trong chuỗi cung ứng chịu nhiều thiệt thòi so với những doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất khi xuất hàng trực tiếp cho doanh nghiệp đầu chuỗi.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thúy Hương đánh giá cao nhiều chính sách mới được Quốc hội ban hành, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT 2% vừa có hiệu lực đầu tháng 7.

“Đây là một chính sách đón đầu đáng ghi nhận, chúng tôi kỳ vọng mức suy giảm trong xuất khẩu sản xuất công nghiệp sẽ giảm dần, sau đó thoát đáy đi lên”, đại diện VASI kỳ vọng.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2023, ngành tài chính nỗ lực điều hành chính sách tài khóa, phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo cân đối thu chi nhưng vẫn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí với tổng quy mô lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng ước tính khoảng 67,1 nghìn tỷ đồng; trong đó, miễn, giảm khoảng 25,1 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 42 nghìn tỷ đồng.

CÂN NHẮC DƯ ĐỊA

Các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng quy mô gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chung khi tình hình kinh tế suy giảm trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 ngay từ những tháng đầu năm. Việc vốn đầu tư công tăng cao trong năm 2023 và quyết tâm giải ngân 90% - 95% trong năm 2023 của Chính phủ sẽ đưa một khối lượng vốn hơn 700.000 tỷ ra thị trường.

 
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

"Với chính sách giảm thuế VAT, giảm thuế phải đi kèm với giảm giá và TP. Hồ Chí Minh là thành phố tiên phong thực hiện được điều này, các thành phố khác có thể học hỏi để chính sách đem lại hiệu quả và thực sự kích cầu.

Việc tăng chi tiêu đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng để tăng trưởng sớm trở lại quỹ đạo thời gian tới", ông Trung đánh giá.

Nếu giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ tiếp thêm động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới và đưa vốn “mồi” thu hút thêm đầu tư tư nhân để kích cầu trong nước. Dự kiến trong nửa cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa có hiệu quả, kịp thời để đưa nền kinh tế vượt “bão” khó khăn.

Đánh giá cao chính sách tài khóa vừa qua, chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình với chính sách tài khóa phản chu kỳ (kinh tế suy thoái thì Chính phủ phải tăng chi tiêu – PV), trong đó, nổi bật là giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm thuế VAT 2% là giải pháp rất đúng, rất trúng. Dù vậy, vẫn có nhiều chính sách triển khai khá chậm.

Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách tài khóa phản chu kỳ, phải đảm bảo cân đối thu chi, tránh gây mất cân đối và gây bội chi ngân sách, đẩy nền kinh tế rơi vào bối cảnh khó khăn, căng thẳng như giai đoạn 2009-2011...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Cân đong” chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, đưa nền kinh tế vượt khó - Ảnh 1