Cần một Chương trình mục tiêu xử các dòng sông “chết”
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm, kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định…
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường các dòng sông, xử lý khai thác khoáng sản trái phép… được đại biểu quan tâm nêu vấn đề với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh để tìm giải pháp xử lý.
GẮN TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP CỦA CÁC DOANH NGHIỆP XẢ THẢI
Quan tâm tới việc tìm giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn Long An, cho biết Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải.
Tuy nhiên, qua giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Bên cạnh ô nhiễm hệ thống sông bắc Hưng Hải, vấn đề ô nhiễm dòng sông Cầu được đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn Bắc Giang, quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn. Theo đại biểu, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến cuộc sống của cử tri và nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn và các giải pháp đã đưa ra. Vì sao nhiều năm qua tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết? Và có những giải pháp nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?
Giải đáp những thắc mắc này của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ là xả thải cho một phần của Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Theo số liệu, mỗi ngày hệ thống Bắc Hưng Hải tiếp nhận 450-500 nghìn mét khối nước thải. Nguồn xả thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý ô nhiễm.
Khẳng định vấn đề đại biểu nêu là hoàn toàn đúng, Bộ trưởng cho biết Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện rất nghiêm các công việc ra quân, kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Bộ cũng tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý tình trạng ô nhiễm.
Bộ trưởng thông tin, hiện nay một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp xử lý, thu gon xử lý nước thải tại các khu dân cư. Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý các dòng sông chết, xử lý rác thải, nước thải.
Bộ trưởng cho rằng cần có cơ chế chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải; tăng cường quan trắc hệ thống bắc Hưng Hải, sông Cầu, kết nối thông tin, kiểm tra giám sát việc xả thải…
LIỆU CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM KHÔNG?
Tranh luận với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng nguồn nước sông Cầu ô nhiễm nặng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết đã đặt ra 2 vấn đề với Bộ trưởng là tình hình thực hiện các nội dung đã chất vấn và các giải pháp đã đưa ra.
Đại biểu cho biết với 2 công văn gần đây nhất (công văn số 128 ngày 7/1/2022 và công văn số 1580 ngày 14/3/2023), Bộ trưởng đã đưa ra rất nhiều giải pháp tuy nhiên cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang quan tâm đến tình hình thực hiện các giải pháp đưa ra như thế nào?
Đặc biệt, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu rõ cử tri và nhân dân mong muốn Bộ trưởng trả lời vì sao hiện nay tình trạng này chưa được giải quyết và liệu có giải quyết được hay không?
Trả lời câu hỏi về ô nhiễm môi trường sông Cầu (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết ô nhiễm của sông Cầu có nguyên nhân từ nguồn ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê, một ngày xả thải khoảng 15.000m3 chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp.
Thời gian qua, Bộ đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của làng giấy Phong Khê, cụm công nghiệp giấy Phong Khê trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp. Bộ cũng đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bắc Giang chỉ đạo các Sở liên quan có giải pháp để xử lý dứt điểm liên quan đến làng nghề giấy này.
Giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải cho các khu Phong Khê 2, khu Phú Lâm, còn khu Phong Khê 1 mới chỉ có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất hoạt động khoảng 300 m3… Do đó, Bộ đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm vấn đề này quan tâm giám sát xử lý nước thải tập trung ở đây.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm vi phạm. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân làng nghề chung tay với cộng đồng, cũng như huy động ngân sách và xã hội hóa trong thu gom xử lý nước thải ở các khu cụm công nghiệp và làng nghề để xử lý ô nhiễm sông Cầu.
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ thêm về việc xử lý ô nhiễm môi trường các lưu vực sông. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây Chính phủ đã có nhiều Chương trình mục tiêu, trong đó có Chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đã trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ rà soát lại xem khôi phục các Chương trình mục tiêu nào với phạm vi nhỏ hẹp hơn, mục tiêu cụ thể hơn. Việc nâng lên thành chương trình mục tiêu quốc gia như đề xuất của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chắc không khả thi, Chủ tịch Quốc hội nói.
Một vấn đề khác cũng được đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu ra đó là kết quả giám sát cho thấy các tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong việc tiếp cận, trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường carbon trong nước thì chưa thành lập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam và Bộ đã có hướng dẫn gì về việc trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết để thực hiện mục tiêu phát thải dòng bằng 0, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan đến quản lý, thực hiện phát thải ròng và nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu.
Thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín chỉ carbon.