06:00 07/09/2021

Cần một “vaccine” chuẩn cho chuỗi cung ứng sản xuất

Tuệ Mỹ

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ vừa phát đi thông điệp mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đó là “cuộc chiến này còn lâu dài, phải xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối…”, từ đó thích ứng và có cách làm phù hợp...

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc… 

Thông điệp này đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều hy vọng, bởi từ khi xảy ra tình trạng một số địa phương thiếu nhất quán trong quy định về giãn cách xã hội, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng đột biến, cùng với đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và thiếu lao động trầm trọng. 

DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG 

Các khu chế xuất - khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện đang có gần 700 nhà máy/doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đều nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất nhằm giữ chân trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho hay đa số doanh nghiệp lẫn người lao động đã rất mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng cầm cự, đeo bám để giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. "Đặc biệt, từ ngày 23/8 đến nay, doanh nghiệp không được phép áp dụng phương án thay thế cho 3 tại chỗ, cũng không được thay đổi tăng hoặc giảm số lao động vừa cách ly, vừa sản xuất và thực hiện nghiêm quy định ai ở đâu ở yên đó," ông Nguyễn Văn Bé nêu thực trạng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra khủng hoảng tại các tỉnh phía Nam, nền kinh tế nhất là với các ngành chế biến nông thủy sản ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề, gần như tê liệt hoàn toàn, chưa bao giờ có tiền lệ.

Hàng loạt doanh nghiệp đã phải thông báo tiếp tục tạm ngừng hoạt động, tạm ngưng sản xuất, gián đoạn có thời hạn… cho thấy mối nguy lớn cho chuỗi cung ứng.
Hàng loạt doanh nghiệp đã phải thông báo tiếp tục tạm ngừng hoạt động, tạm ngưng sản xuất, gián đoạn có thời hạn… cho thấy mối nguy lớn cho chuỗi cung ứng.

Trong 3 tháng (6, 7, 8) vừa qua, vùng ĐBSCL có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong khi con số này của 6 tháng đầu năm là trên 6.000 doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là gần 90%; doanh thu quý II giảm còn 40 - 50%... “ĐBSCL có đặc thù và chủ lực là nông, thủy sản. Tôm, cá, trái cây… không thể không thu hoạch. Nếu không thu hoạch thì tổn thất lớn cho nông dân, nhưng thu hoạch được mà không có nơi bảo quản thì ảnh hưởng tới các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…” ông Lam nói.

Hàng loạt doanh nghiệp đã phải thông báo tiếp tục tạm ngừng hoạt động, tạm ngưng sản xuất, gián đoạn có thời hạn… cho thấy mối nguy lớn cho chuỗi cung ứng hiện nay. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở giãn cách xã hội kéo dài khiến logistic và các thủ tục không thuận lợi, hoạt động của ngành logistic giật cục vì chính sách cục bộ, không thông suốt, không “xanh luồng” ở nhiều địa phương, nói nôm na như đại diện Hiệp hội logistic Việt Nam là “một khóa 4 chìa”.

Nghiêm trọng và sâu xa nhất là vấn đề về làm thế nào để đảm bảo an toàn cho công nhân, duy trì được lực lượng sản xuất khi nhiều công nhân sợ rủi ro lây nhiêm đã không vào nhà máy, mô hình “3 tại chỗ” bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, doanh nghiệp khó có thể đảm bảo hoạt động thông suốt, khó đủ năng suất để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Nguy cơ đền đơn hàng cũ, không thể ký mới, mất khách hàng, mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu… đang hiện hữu.

CHUỖI CUNG ỨNG TỔN THƯƠNG NẶNG NỀ

“Điều gì xảy ra sau giãn cách, khi các hộ nông dân, các HTX, các trang trại hầu như đã đóng băng và sẽ không tái sản xuất? Khi các mặt hàng nông sản, thủy sản không thể nào có được trong một thời gian ngắn, điều đó dẫn đến khủng hoảng lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông thủy sản,” ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, bày tỏ lo ngại. 

 
"Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy, ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh".

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60 - 70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng của sản xuất trong nước, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng hoang mang. Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế luôn thường trực, trong khi chỉ riêng 4 ngành dệt may - da giày, túi xách, điện tử, gỗ và lâm sản đã có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch cả nước, với 8 triệu lao động. Nếu chuỗi cung ứng đứt gẫy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp cho biết, thị trường Mỹ và châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Vì thế, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động, tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng quốc tế. Cùng với đó, hàng chục nghìn công nhân về quê dẫn tới tình trạng thiếu lao động. Như vậy, rất khó đảm bảo khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nếu chuỗi cung ứng đứt gẫy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu chuỗi cung ứng đứt gẫy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính phủ cần để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn bởi dịch còn có thể kéo dài. Ông cũng đề nghị bỏ tất cả quy định danh mục hàng thiết yếu, vấn đề là đảm bảo an toàn sức khỏe cho tài xế nên cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn. Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong đảm bảo an toàn dịch bệnh cho mình.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, phải có biện pháp sống chung với dịch, có kịch bản thống nhất từ Chính phủ, áp dụng đồng bộ ở các địa phương; trong đó đề cao vai trò, tính tự chủ của doanh nghiệp. “Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy, ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh,” ông Lộc bày tỏ ý kiến.

 
Nếu chuỗi cung ứng tiếp tục gặp khó, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn. Sẽ thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, người dân bị thiếu hụt hàng hóa, hoặc phải mua với giá cao, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch…