10:41 09/04/2024

Cao điểm hè, thế giới sẽ thiếu máy bay

Tường Bách

Việc thiếu hụt máy bay đang thực sự gây nên cuộc khủng hoảng của ngành hàng không toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Không chỉ các hãng bay trì hoãn tăng trưởng, hành khách cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá vé máy bay ngày càng tăng…

Ảnh: Aviation
Ảnh: Aviation

Sáng 7/4 theo giờ Mỹ (tức sáng 8/4 giờ Việt Nam), máy bay Boeing 737-800 của Southwest Airlines đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì sự cố. Video đăng trên mạng xã hội cho thấy vỏ động cơ của máy bay bị bung ra khi máy bay di chuyển từ đường băng. Những sự cố gần đây đã khiến cho danh tiếng của Boeing ngày càng suy giảm, khiến lãnh đạo nhà sản xuất máy bay hàng đầu Mỹ thêm áp lực và hoạt động sản xuất tại nhà máy càng gặp nhiều vấn đề về tiến độ.

VÒNG XOÁY KHỦNG HOẢNG MỚI

Sự cố đã châm ngòi cho các cuộc điều tra liên bang đối với Boeing và khiến giám đốc điều hành David Calhoun phải từ chức cuối tháng 3. Ban giám đốc Boeing cho biết họ sẽ tập trung vào chất lượng sản xuất ở nhà máy thay vì tốc độ hoàn thành sản phẩm. Công ty cũng đang đàm phán mua lại Spirit nhằm kiểm soát vấn đề phát sinh về chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp. "Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã ưu tiên cho việc bàn giao đúng hạn hơn là đảm bảo quy trình sản xuất. Điều đó phải thay đổi", Brian West, giám đốc tài chính của Boeing, nói gần đây.

Theo Bloomberg, không chỉ ảnh hưởng đến Boeing, những sự cố máy bay liên tiếp trong 3 tháng đầu năm còn có ảnh hưởng sâu rộng đến kế hoạch tăng trưởng của các hãng hàng không. Mới đây, hãng hàng không lớn bậc nhất thế giới, United Airlines, đã kêu gọi phi công nghỉ không lương trong tháng 5 hoặc thậm chí đến hết mùa hè vì thiếu máy bay.

Trong một ghi chú gửi đến các thành viên ngày 29/3/2024, chi nhánh United của Hiệp hội Phi công Hàng không (một công đoàn dành cho các phi công) cho biết vì Boeing chậm giao máy bay mới, số giờ bay dự kiến của United Airlines trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ giảm đi đáng kể.

Những sự cố máy bay liên tiếp trong 3 tháng đầu năm còn có ảnh hưởng sâu rộng đến kế hoạch tăng trưởng của các hãng hàng không.
Những sự cố máy bay liên tiếp trong 3 tháng đầu năm còn có ảnh hưởng sâu rộng đến kế hoạch tăng trưởng của các hãng hàng không.

Trước đó, United đã ký hợp đồng nhận 43 chiếc Boeing 737 Max 8 và 34 chiếc Max 9 trong năm 2024. Thế nhưng tính đến tháng 2, họ mới chỉ nhận được 37 chiếc Max 8 và 19 Max 9. Các thông tin cho thấy Boeing cũng sẽ bàn giao 80 chiếc Max 10s trong năm nay và 71 chiếc trong năm tới. Tuy nhiên mẫu máy bay này chưa được Cục Hàng không Liên bang phê duyệt. Vì vậy United đã loại chúng ra khỏi lịch mua bán vì “không thể dự báo chính xác thời gian giao hàng dự kiến”.

Tháng trước, Southwest Airlines cũng cho biết họ đang phải đánh giá lại dự báo tài chính năm 2024, với lý do số lượng máy bay Boeing bàn giao bị giảm đi và họ phải ngừng tuyển dụng phi công và phi hành đoàn. Trong khi đó, Alaska Airlines bày tỏ rằng công suất năm 2024 sẽ không ổn định vì kế hoạch bàn giao máy bay không cố định.

Bên cạnh khủng hoảng của Boeing, khoảng 600 đến 650 máy bay dòng Airbus A320neo và A321neo thuộc gần 50 hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay trên toàn cầu sẽ buộc phải dừng hoạt động, tháo rời động cơ để kiểm tra và bảo dưỡng. Nguyên nhân là bởi hãng Pratt & Whitney - top 3 nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất thế giới - đã phải triệu hồi 1.200 động cơ có bánh răng bị lỗi. Trước đó nữa, ngành hàng không châu Âu và Mỹ rúng động trước thông tin, động cơ máy bay của nhà sản xuất top 5 toàn cầu CFM International đã sử dụng hàng loạt giấy chứng nhận giả cho linh kiện, phụ tùng động cơ.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), chuỗi cung ứng hàng không đứt gãy, động cơ máy bay bị lỗi hay hàng loạt cáo buộc liên quan đến linh kiện giả, dẫn đến thiếu hụt máy bay…, tất cả điều này đang tạo ra một vòng xoáy khủng hoảng mới cho ngành hàng không toàn cầu. Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chia sẻ: "Các nhà cung cấp phụ tùng đã quá chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, vừa làm tăng chi phí vừa hạn chế khả năng triển khai máy bay. Các hãng hàng không đang vô cùng thất vọng".

Cao điểm hè, thế giới sẽ thiếu máy bay - Ảnh 1

GIÁ VÉ MÁY BAY TĂNG CAO

Tình trạng các hãng hàng không khủng hoảng vì thiếu máy bay không chỉ diễn ra trên thế giới, mà ở Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu rõ rệt. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là giá vé máy bay đắt đỏ. Nguyên nhân được cho là vì tình trạng thiếu hụt máy bay đang diễn ra trên diện rộng, khiến tiền thuê máy bay tăng cao. Trước Tết, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ, nhưng đến nay đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không tăng cường kiểm tra các hãng về giá vé máy bay, việc bảo đảm duy trì tàu bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay. Việc Pratt & Whitney yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của Vietnam Airlines và Vietjet khiến ngành rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng. Dự báo đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường.

Bên cạnh việc có đến đến 42 máy bay của 2 hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng thiếu máy bay diễn ra vì còn vì 2 nguyên nhân khác. Đầu tiên các hãng hàng không thua lỗ và phải tái cơ cấu nợ, các chủ nợ rút lại máy bay và cho thuê với giá cao hơn. Chẳng hạn Pacific Airlines không còn chiếc nào, còn Bamboo Airways cũng chỉ ngấp nghé 5 chiếc. Thứ ba là các máy bay đang phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp Tết 2024.

Tại Việt Nam, 42 máy bay của 2 hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế.
Tại Việt Nam, 42 máy bay của 2 hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế.

Việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ ra rằng, thực tế, chi phí đầu vào đang rất cao nhưng giá vé còn chưa chạm trần, đây là sự chia sẻ của các hãng hàng không. Song để đảm bảo phát triển dài hạn, các hãng hàng không cần nghiên cứu, đề xuất Bộ Giao thông vận tải trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Dự báo, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế. Để xử lý tình trạng thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 phút xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.