15:50 20/05/2013

Chính phủ, Quốc hội cùng lo về hụt thu ngân sách

Anh Minh

Chính phủ và Quốc hội đều bày tỏ sự lo lắng trước thực tế không mấy khả quan về thu ngân sách

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 4 
tháng ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng 
kỳ năm 2012.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012.
Cả phía Chính phủ và Quốc hội đều bày tỏ sự lo lắng trước thực tiễn không mấy khả quan về thu ngân sách, cơ sở để có thể thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội theo kế hoạch đã đề ra trước đó.

Bản báo cáo “Đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013” của Chính phủ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, cho hay các mục tiêu về thu ngân sách thực sự là “thử thách” trong một năm kinh tế tiếp tục khó khăn.

Thu ngân sách 4 tháng bằng 29,9% dự toán
 
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, 2% tăng so với cùng kỳ không che giấu được những mảng tối trong bức tranh thu ngân sách, bao gồm việc thu nội địa ước đạt 164.290 tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2012, đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Ước tính có 9/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2012, nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ như lệ phí trước bạ; phí, lệ phí; thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; thu khác ngân sách...

Trong khi đó, 5 khoản thu còn lại thấp hơn cùng kỳ, trong đó có các khoản thu quan trọng như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (bằng 89,1%), thuế thu nhập cá nhân (bằng 96,2%) và thu tiền sử dụng đất (bằng 76,4%).

Đến hết tháng 4/2013, ước tính cả nước có 20 địa phương có số thu nội địa đảm bảo tiến độ (trên 33% dự toán), chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ. Trong khi 43 địa phương còn lại thu đạt thấp, bao gồm cả các địa phương “trọng điểm” như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, một mảng quan trọng trong nhiều năm nay, chỉ đạt 56.290 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 18.000 tỷ đồng, số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 38.290 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2012.

“Tránh giảm thu quá lớn”


Kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm cho thấy tình hình rất khó khăn, đạt thấp so với yêu cầu dự toán. Theo dự toán, bình quân thu phải đạt 68.000 tỷ đồng/tháng, thực hiện 4 tháng chỉ đạt 61.000 tỷ đồng/tháng, giảm 7.000 tỷ đồng/tháng so với yêu cầu; như vậy, để hoàn thành dự toán, 8 tháng cuối năm phải thu gần 572.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 71.500 tỷ đồng/tháng.

Tăng trưởng thu so với năm 2012 ở cả lĩnh vực thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều thấp (yêu cầu dự toán phải tăng 20% so với thực hiện năm 2012; thực tế số thu 4 tháng từ 2 lĩnh vực này chỉ xấp xỉ bằng, hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2012).

Chính vì vậy, theo Chính phủ, nếu không quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thì “khả năng giảm thu năm 2013 là khá lớn”.

“Qua tình hình thực hiện 4 tháng đầu năm cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tạo sức ép lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và công tác điều hành ngân sách Nhà nước năm 2013”, báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký trình Quốc hội nêu rõ.

Đánh giá về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, cũng bày tỏ sự lo lắng đối với vấn đề thu ngân sách. Theo ông Giàu, chính những khó khăn trong vấn đề thu ngân sách trong năm 2013 đang đặt ra thách thức cho năm 2013 và các năm tiếp theo.

“Thu nội địa và thu xuất, nhập khẩu giảm mạnh, nếu không có nguồn thu thêm từ hoạt động dầu khí thì ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chi năm 2012. Tuy một số chỉ tiêu của năm 2012 đạt kế hoạch nhưng chưa thực chất và sẽ gây áp lực cho việc bố trí và điều hành ngân sách các năm sau”, ông Giàu nói.

Vị đại diện của Quốc hội kiến nghị rằng, Chính phủ cần rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương; đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của dự án đầu tư sau khi rà soát; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản.

Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ phải “thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách Nhà nước, tránh giảm thu quá lớn; đồng thời cần đánh giá lại cơ cấu thu ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, đời sống của nhân dân, trong chi tiêu ngân sách nhà nước; giảm hội họp, hạn chế tổ chức lễ hội, kỷ niệm thành lập ngành, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài bằng nguồn ngân sách, kể cả đối với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhà nước nắm quyền chi phối; đồng thời có biện pháp chế tài xử lý người đứng đầu khi vi phạm”.