18:18 09/08/2022

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu tài sản ảo để ngăn chặn rửa tiền

Ngọc Hân

Đây là một trong những hành động của Chính phủ nhằm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.

Theo Kế hoạch, một số bộ liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đặc biệt, Kế hoạch yêu cầu nghiên cứu đối với lĩnh vực tài sản ảo để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Bộ Công an, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toàn án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền/tài trợ khủng bố, nhất là với các lĩnh vực được xác định rủi ro cao.

Về mục tiêu tổng quát, Chính phủ kỳ vọng, thông qua Kế hoạch sẽ xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).

Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Đồng thời, Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/tài trợ khủng bố, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 tổ chức chiều 3/8, trả lời câu hỏi về việc có đưa đồng tiền mã hóa vào trong dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền để có thể điều chỉnh, ngăn chặn hành vi rửa tiền hay không, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu rất kỹ, toàn diện vấn đề này để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin thêm trong quá trình sửa Luật về phòng chống rửa tiền vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và quy định điều khoản mang tính chất khung trong Luật này nhằm phòng chống rửa tiền.

"Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng quy định cụ thể sản phẩm tài chính hiện nay được sử dụng công nghệ như tiền Bitcoin, tiền ảo và xu hướng phát triển các sản phẩm khác sẽ được xử lý linh hoạt sau khi Luật này được ban hành cũng như các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư để đảm bảo ngăn chặn rửa tiền, gian lận trốn thuế… thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng, có tính chất tham nhũng, hối lộ", ông Tú nhấn mạnh.