Chính sách tài khóa, tiền tệ trợ lực nền kinh tế APEC phục hồi mạnh mẽ 2 năm tới
Hai năm tới, các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh và mạnh mẽ...
Trong 2 ngày 16-17/3, đoàn Bộ Tài chính Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) năm 2022 do Thái Lan chủ trì, theo hình thức trực tuyến.
Tham dự hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Đây là hội nghị của quá trình chuyển tiếp đối với các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà thông tin về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp chủ yếu về tài khóa và tiền tệ nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7% giai đoạn 2022-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
"Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục tập trung vào miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ việc làm. Đồng thời, bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm cụ thể hóa mục tiêu của chương trình", Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chính sách tài chính, chính sách thuế hướng tới tạo nguồn thu ổn định, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo sự chủ động của ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện chính sách phát triển xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Tại hội nghị, các Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các quốc gia thành viên thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và của các thành viên APEC.
Hội nghị ghi nhận sáng kiến ưu tiên hợp tác về tài chính bền vững và số hóa cho nền kinh tế số do Thái Lan đề xuất, nhằm giúp các nền kinh tế trong khu vực hướng tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế mở, cân bằng và kết nối.
Các ý kiến tại hội nghị cũng ghi nhận sự phục hồi kinh tế và quá trình mở cửa nền kinh tế đang diễn ra trên toàn khu vực.
Đa số các nền kinh tế APEC đạt được một số thành tựu về phục hồi kinh tế thông qua việc ban hành các chính sách hiệu quả, bền vững và bao trùm hướng tới các đối tượng bị tác động lớn bởi đại dịch như người dân và doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng trung ương trong khối APEC cũng có chung quan điểm, trong khoảng 2 năm tới, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Covid-19 sẽ tiếp tục được các nền kinh tế áp dụng, có cân nhắc tính thận thận trọng nhằm đảm bảo mục tiêu dài hạn về ổn định hệ thống tài chính, đồng thời, thông qua các chính sách này, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Ngay đầu năm 2022, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói ngân sách chưa có tiền lệ lên tới 350.000 tỷ đồng được giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Với hơn 113.000 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng là một trong những cột trụ của chương trình.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo.