Chung sống với “bệnh đặc hữu Covid -19” để phục hồi kinh tế
Tháng 3 là khoảng thời gian rất đẹp của năm, “tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước”… Nhưng tháng 3 năm nay và những tháng cùng kỳ năm 2020, 2021 có nhiều khó khăn đã bủa vây Việt Nam.
Biến thể Omicron lây lan rất rộng, nhanh, người dân lo lắng vì không tránh được nhiễm bệnh, giá kit test, thuốc điều trị tăng cao, giá xăng dầu phi mã, nhiều xe nông sản vẫn mắc kẹt ở biên giới, tình hình bất ổn tại Ukraina gây ra những tác động lớn đến kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc mở cửa đón du khách nước ngoài vẫn phải chờ đợi trong tâm trạng phập phồng…
Nhưng dù gặp nhiều thách thức, chúng ta cũng đã được đón nhận nhiều tin tức tốt lành, báo hiệu cho những quý tiếp theo hanh thông, thuận lợi hơn.
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Vốn FDI đăng ký tăng thêm 123,8%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta.
Trong tháng 2, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 2 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 218 triệu liều vaccine, tiêm gần 202 triệu liều; trên tổng dân số, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine 1 liều đạt 98,6%, 2 liều đạt 93,1%. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, đến nay tỷ lệ tử vong/số ca mắc đã giảm.
Ngày 3/3, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời chỉ đạo phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý 1, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng quán triệt cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Chung sống với Covid -19 cũng là quan điểm của nhiều bác sĩ đã từng trên tuyến đầu chống dịch. PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.
Việc này tương tự như khi người dân bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid-19 và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.
Để hướng tới những mục tiêu lớn trong những tháng tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, trước mắt cần quyết tâm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022.
TRIỂN KHAI GÓI ĐẦU TƯ CÔNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI TỪ THÁNG 4
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các bộ ngành, địa phương về cơ bản đang đáp ứng đúng yêu cầu về tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Bộ Tài chính đã chủ động dự thảo và trình ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về các chính sách liên quan đến điều chỉnh thuế, phí và lệ phí để có thể triển khai được ngay trong những tháng đầu năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước cũng rất chủ động trong việc phối hợp với các bộ để soạn thảo các văn bản, nhất là các nghị định về hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí và đối tượng được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn tập trung ở phần đầu tư công, do có liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt dự án.
"Với đầu tư công, chúng ta còn phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư", ông Phương cho biết.
Nghị quyết 11 đề ra 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trong tâm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô lớn, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng và được thực hiện trong năm 2022-2023. Dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% chương trình.
XEM COVID -19 LÀ BỆNH ĐẶC HỮU, LẬP TỔ CÔNG TÁC VỀ UKRAINA
Kết luận về các nội dung thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, kinh tế - xã hội 2 tháng đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, tình hình còn những diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát tăng cao khi chi phí đầu vào tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn.
Dự báo tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới.
Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Thứ ba, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraina do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thứ tư, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraina do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.
Đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.