Chứng khoán Mỹ bán tháo vì nỗi lo lãi suất tăng, giá dầu biến động chóng mặt
Xu hướng hồi phục của những tháng mùa hè bắt đầu suy yếu và nỗi lo lãi suất tăng quay trở lại ám ảnh tâm trí nhà đầu tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/8), với chỉ số Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6. Xu hướng hồi phục của những tháng mùa hè bắt đầu suy yếu và nỗi lo lãi suất tăng quay trở lại ám ảnh tâm trí nhà đầu tư.
Giá dầu sụt sâu rồi lại hồi phục do giằng co giữa một bên là nỗi lo suy thoái kinh tế và một bên là triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt. Giá nhiều tài sản khác như đồng USD, trái phiếu kho bạc Mỹ, tiền ảo… cũng biến động.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 643,13 điểm, tương đương giảm 1,91%, còn 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,14%, còn 4.137,99 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,55%, còn 12.381,57 điểm. Đây là phiên giao dịch tệ hại nhất kể từ ngày 16/6 đối với cả Dow Jones và S&P 500.
Phiên giảm này diễn ra sau khi chứng khoán Mỹ đã mất điểm trong tuần trước, kết thúc chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó của S&P 500. Dù vậy, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall hiện vẫn tăng khoảng 13% so với mức đáy thiết lập vào tháng 6.
Các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho một tuần giao dịch có thể có nhiều biến động khó lường trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có bài phát biểu về lạm phát và chính sách tiền tệ vào ngày 26/8 tại hội nghị thường niên của ngân hàng trung ương này ở Jackson Hole.
“Thị trường giảm như thế này có nghĩa là thị trường đang nói rằng Fed sẽ buộc phải cứng rắn hơn và phải làm cho nền kinh tế giảm tốc hơn nữa” nếu muốn kéo lạm phát xuống - nhà quản lý danh mục Robert Cantwell thuộc Upholdings phát biểu trên trang CNBC.
Nỗi lo về việc Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát đặt ra áp lực giảm đặc biệt lớn lên cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Amazon chốt phiên với mức giảm 3,6%; Nvidia sụt 4,6%; Netflix mất khoảng 6,1% điểm số.
Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giữa kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm tiếp tục đảo ngược - một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra. Mức độ đảo ngược trong phiên này là âm 29,7 điểm cơ bản, tăng so với mức đảo ngược của tuần trước, phản ánh rủi ro xảy ra suy thoái tăng lên.
“Đường cong lợi suất đảo ngược là tín hiệu về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy đến. Đây là một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái”, Giám đốc quản lý danh mục Tom di Galoma thuộc Seaport Global Holdings nhận định trong một báo cáo được hãng tin Reuters trích dẫn.
Đồng USD tiếp tục tăng giá trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ triển vọng Fed tiếp tục cứng rắn trong chính sách tiền tệ. Sự tăng giá này của đồng bạc xanh đẩy giá vàng tụt xuống mức thấp nhất gần 4 tuần.
“Trước thềm hội nghị Jackson Hole, đồng USD vẫn đang tương đối mạnh cho dù đã tăng giá quá nhiều”, chiến lược gia trưởng Marc Chandler của Bannockburn Global Forex nhận xét. Tuy nhiên, ông Chandler cũng nói rằng “thị trường có thói quen nhìn nhận ông Powell là một người mềm mỏng, nên có khả năng thị trường ‘đang mua theo tin đồn’ - tin đồn về sự cứng rắn của Fed - và sau đó có thể bán theo thực tế”.
Các hợp đồng lãi suất tương lai của Mỹ đang phản ánh khả năng 54,5% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Trước đó, vào cuối tuần vừa rồi, khả năng nghiêng về Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters thực hiện từ ngày 16-19/8 dự báo mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 9.
Trong một động thái đi ngược xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 22/8 có động thái giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng 1 tuần nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc mạnh dưới áp lực của khủng hoảng bất động sản và chính sách chống dịch Zero Covid. Mối lo về sức khoẻ kinh tế Trung Quốc kéo đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 23 tháng và gây áp lực lên thị trường chứng khoán toàn khu vực.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,97%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới sụt 1,8%.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đóng cửa với mức giảm 1% do lo ngại về sự leo thang của cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực sau khi Nga tuyên bố chuẩn bị khoá đường ống khí đốt Nord Stream 1 trong 3 ngày để bảo trì.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,24 USD/thùng, chốt ở 96,48 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,54 USD/thùng, chốt ở 90,23 USD/thùng.
Trước đó trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu Brent sụt 4,5% vì nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng USD tăng giá, và khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Giá dầu thoát khỏi mức đáy của phiên sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia tuyên bố Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là nhóm OPEC+, có thể cắt giảm sản lượng để ứng phó với các thách thức trên thị trường.
“Các yếu tố nền tảng trong ngắn hạn có vẻ nghiêng về bất lợi cho giá dầu cho tới khi có một số dữ liệu kinh tế tích cực đến từ Mỹ hay Trung Quốc, mà điều này lại có vẻ khó xảy ra”, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch Dennis Kissler của BOK Financial phát biểu.
Thị trường đang dõi theo những nỗ lực của Mỹ, Anh, Pháp và Đức nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran. Nếu thoả thuận này được khôi phục, dòng dầu xuất khẩu của Iran có thể quay trở lại, bổ sung cho nguồn cung dầu toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung dầu thế giới vẫn thắt chặt. Dòng dầu chảy qua một đường ống từ Nga lại chuẩn bị giảm vì lý do hỏng thiết bị.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng sản lượng dầu của OPEC+ trong tháng 7 thấp hơn 2,892 triệu thùng/ngày so với mục tiêu do lệnh trừng phạt áp lên Nga và năng lực tăng sản lượng bị hạn chế của một số thành viên khác.
Thị trường tiền ảo cũng đang đương đầu áp lực giảm, nhưng Bitcoin duy trì mốc giá trên 21.000 USD. Lúc hơn 6h sáng nay (23/8) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 21.233 USD, giảm hơn 1,7% so với cách đó 24 tiếng và giảm gần 11% so với cách đó 1 tuần.