07:56 20/02/2025

Chứng khoán Mỹ cao nhất mọi thời đại bất chấp mối lo thuế quan và lãi suất, giá dầu cũng tăng

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/2), với chỉ số S&P 500 lập kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp, bất chấp quan điểm thận trọng về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc Tổng thống Donald Trump đưa ra ý định áp thêm thuế quan...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô cũng tăng do mối lo gián đoạn nguồn cung ở Nga và Mỹ, trong lúc nhà đầu tư chờ thêm thông tin mới về đàm phán kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,24%, đạt 6.144,15 điểm - mức điểm cao chưa từng có trong lịch sử - sau khi lập kỷ lục nội phiên mới. Trước đó, chỉ số này cũng lập kỷ lục đóng cửa và nội phiên trong phiên ngày thứ Ba.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,07%, đạt 20.056,25 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 71,25 điểm, tương đương tăng 0,16%, chốt ở 44.627,59 điểm.

Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giữ vai trò trụ cột cho phiên tăng này, như Microsoft tăng 1,3% sau khi công ty trình làng con chip điện toán lượng tử đầu tiên của mình. Tesla tăng khoảng 2%.

Xu hướng tăng của thị trường duy trì trong bối cảnh bất định cao. Ông Trump hôm thứ Ba tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên ô tô, con chip và dược phẩm nhập khẩu. Tuy không nói rõ việc áp thuế quan này sẽ chỉ nhằm vào một số đối tác thương mại trên diện rộng, ông cho biết kế hoạch có thể được thực thi sớm nhất vào ngày 2/4.

“Tôi cho rằng đang có nhiều ồn ào trong ngắn hạn liên quan tới Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE), Elon Musk và thuế quan, đúng là những gì diễn ra ngày hôm nay. Và tôi nghĩ nhiều vấn đề trong số này sẽ còn tồn tại”, Giám đốc đầu tư Jim Elios của công ty Elios Financial Group nhận định với hãng tin CNBC. “Hiệu ứng Trump từ các dòng tít báo đang gây áp lực lên thị trường và gây ra một số mất mát. Nhưng trong dài hạn, tôi vẫn thực sự lạc quan về việc sẽ có một môi trường thân thiện với kinh doanh”, ông Elios nói.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 6 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 6 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.

Phiên này, nhà đầu tư cũng nghiền ngẫm biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố. Biên bản này tiếp tục cho thấy giới chức Fed muốn có thêm bước tiến về giảm lạm phát mới tiếp tục cắt giảm lãi suất, và họ cũng đang lo lắng về ảnh hưởng từ các kế hoạch thuế quan của ông Trump đối với lạm phát.

Tuy chứng khoán Mỹ tăng điểm, thị trường châu Âu ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm trong bối cảnh nhà đầu tư chờ những diễn biến tiếp theo của cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga nhằm kết thúc cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump ngày thứ Tư kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nên hành động nhanh chóng để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,9% sau hai phiên lập kỷ lục liên tiếp nhờ hy vọng về một thỏa thuận cho Ukraine. Các chỉ số chứng khoán của Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đồng loạt giảm từ 0,5-1,8%.

Trên toàn cầu, mối lo về thuế quan của ông Trump cũng phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư, khiến chỉ số MSCI All Country World Index giảm 0,11%, còn 886,72 điểm.

“Nhìn chung, xu hướng của thị trường vẫn nghiêng về tăng, nhưng nếu nhìn vào ngắn hạn trong mấy ngày qua, mọi thứ đã trở nên giằng co hơn vì những tín hiệu mới nhất từ chính quyền Trump”, nhà quản lý danh mục Julian McManus của công ty Janus Henderson Investors, nhận định với hãng tin Reuters. “Những gì ông Trump nói gây ra tâm lý lo lắng và thị trường thường thụt lùi khi nghe thấy từ ‘thuế quan’, vì nhà đầu tư sẽ nghĩ đến rủi ro đối một quốc gia cụ thể hoặc là lạm phát”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,2 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở mức 76,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,4 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở mức 72,25 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của giá mỗi loại dầu kể từ hôm 11/2.

Dầu tăng giá khi nguồn cung dầu từ cả Nga và Mỹ đều có nguy cơ thắt chặt. Nga cho biết đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) từ Kazakhstan sang nước này - một tuyến đường ống dẫn dầu lớn - đã bị phía Ukraine tấn công bằng thiết bị bay không người lái, khiến lượng dầu được vận chuyển giảm 30-40%. Mức giảm 30% của lượng dầu đi qua đường ống CPC tương đương giảm khoảng 380.000 thùng/ngày - theo ước tính của Reuters.

Tại Mỹ, thời tiết lạnh sâu đang đe dọa nguồn cung dầu. Cơ quan quản lý đường ống North Dakota ước tính sản lượng dầu của bang Dakota sẽ giảm tới 150.000 thùng/ngày.

“Ngưỡng tâm lý quan trọng 70 USD/thùng dầu có vẻ sẽ duy trì vững chắc bởi vụ tấn công nhằm vào đường ống dẫn dầu của Nga và mối lo thời tiết lạnh ở Mỹ có thể khiến nguồn cung dầu ở nước này suy giảm. Ngoài ra, còn có một số đồn đoán rằng OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch nâng sản lượng từ tháng 4”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận định.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong 6 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong 6 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Ngoài ra, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng ngay cả khi có một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine do sự trung gian của Mỹ, dẫn tới việc Nga được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, nguồn cung dầu từ Nga chưa chắc đã tăng nhiều.

“Chúng tôi tin rằng sản lượng dầu của Nga bây giờ bị hạn chế chủ yếu bởi mức hạn ngạch 9 triệu thùng/ngày trong OPEC+ thay vì các biện pháp trừng phạt. Lệnh trừng phạt chỉ ảnh hưởng tới đích đến của dầu Nga chứ không phải là khối lượng xuất khẩu dầu Nga”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định.