17:00 22/06/2023

Có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài

Thu Hằng

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động “chui” cao nhất, chiếm đến 26%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 9%...

Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh - TTXVN.
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh - TTXVN.

Thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu trong văn bản trả lời chất vấn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình về số liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

SỐ LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐANG LÀM VIỆC “CHUI” TẠI HÀN QUỐC LÀ ĐÔNG NHẤT  

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%.

Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với 41.044/697.702 người.

Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26% (hiện có hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).

Thị trường Đài Loan có 24.000/256.576 người, chiếm tỷ lệ 9%. Tại Nhật Bản cũng có gần 4.800 thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn.

Tại thị trường các nước tại Trung Đông - châu Phi có hơn 1.300 người lao động bỏ trốn trong tổng số hơn 9.400 lao động đang làm việc, cao nhất là tại Ả rập Xê út với 1.000 lao động, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 300 người. Số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước châu Âu gần 600 người. Riêng thị trường châu Mỹ, hiện chưa ghi nhận lao động bỏ trốn, bất hợp pháp.

Về lí do lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, những năm vừa qua, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng, và về nước trước thời hạn vì các lý do chủ quan như sức khỏe, tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại.

Ngoài ra, do các lý do khách quan, bất khả kháng như tình hình an ninh nước sở tại không đảm bảo, chủ sử dụng phá sản; công trình dự án bị đình trệ, thiếu việc làm.

Một số người lao động chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và không hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết. Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, những lao động này có ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của nơi làm việc, thiếu tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại.

Tình trạng người lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp ở mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Đáng chú ý, lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc, tỷ lệ không tuân thủ thời hạn hợp đồng cao. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là có thể ở lại làm việc lâu hơn và có thu nhập cao hơn.

Ngoài Hàn Quốc, từ năm 2020 đến 2023, do dịch bệnh Covid 19 dẫn đến tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước nên bỏ trốn tiếp tục làm việc tại Đài Loan và Nhật Bản với số lượng lớn.

GIẢI PHÁP GIẢM TÌNH TRẠNG LAO ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP TẠI NƯỚC NGOÀI

Để giảm thiểu tình trạng bỏ trốn ra ngoài hợp đồng và cư trú bất hợp pháp của người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác phố biến pháp luật của Việt Nam và quốc gia tiếp nhận lao động. Đồng thời, tuyển chọn trực tiếp người lao động, rà soát kỹ đảm bảo tuyển chọn lao động có tay nghề, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của đối tác.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng công tác giáo dục định hướng, rèn luyện ý thức kỷ luật cho người lao động trước khi xuất cảnh. Ký quỹ 100 triệu đồng đối với mỗi lao động theo Chương trình EPS trước khi đi (áp dụng cho thị trường Hàn Quốc).

Đồng thời, chỉ đạo các Ban Quản lý lao động tại các quốc gia tiếp nhận tăng cường công tác hỗ trợ, quản lý người lao động. Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước thông qua các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm trực tiếp.

Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người lao động và thân nhân người lao động ở Việt Nam trong việc thực hiện đúng hợp đồng, tuân thủ pháp luật nước sở tại, về nước đúng thời hạn.

Đặc biệt, đã tạm dừng tuyển chọn lao động mới tại các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao (đối với thị trường Hàn Quốc). Phối hợp với các cơ quan hữu quan nước tiếp nhận lao động xử lý các tổ chức môi giới, nghiệp đoàn và chủ sử dụng lao động vi phạm các quy định đối với người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Các giải pháp khác là phối hợp với phía các cơ quan quản lý của nước tiếp nhận thực hiện chính sách ân hạn cho lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước; đi đôi với xử phạt người lao động bỏ hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước; chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tăng cường công tác quản lý lao động đưa đi, hạn chế tình trạng bỏ trốn (đối với thị trường Đài Loan và Nhật Bản).

Ngoài ra, đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có những hành vi vi phạm pháp luật.