"Con hổ châu Á" nhìn từ chính sách tiền tệ
Thực chất, VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái
Trong một bài viết mới đây, hãng tin Bloomberg đánh giá: Việt Nam đã trở thành một "con hổ châu Á" về kinh tế, một nền kinh tế được đánh giá cao ở châu Á.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, "con hổ" này những năm qua được nuôi dưỡng bằng đòn bẩy tín dụng với tổng dư nợ thường xuyên ở mức cao, từ 110 - 120% GDP; từng trải qua nhiều cơn sốt của lạm phát, lãi suất và tỷ giá…
10 tháng đầu năm nay, những yếu tố đó đang có thay đổi.
Lái vốn, tăng hấp thụ
Số liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 31/10/2017, tín dụng đã tăng 13,66% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Khác biệt, tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu, trải đều qua các tháng thay vì dồn toa vào cuối năm như trước đây.
Quan trọng hơn, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng cải thiện. Tính toán cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 3,84% quý 1 xuống 3,10% quý 2 và xuống còn 2,52% quý 3.
Chỉ tương đối, song dữ liệu trên một phần phản ánh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam có phần cải thiện. Bên cạnh các yếu tố bên trong và bên ngoài, lái vốn hợp lý cũng góp phần tạo nên thay đổi đó.
Sau giai đoạn phân biệt chính sách tín dụng sản xuất với phi sản xuất, việc lái vốn được xác định thống nhất hơn: vào những lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích, hạn chế ở những lĩnh vực rủi ro.
9 tháng đầu 2017, trong 21 ngành kinh tế, tín dụng ở hầu hết các ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung. Cụ thể, tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 22,99%, chiếm tỷ trọng 17,42% (cùng kỳ 2016 tăng 8,23%, chiếm tỷ trọng 16,25%); ngành xây dựng tăng khoảng 19,09% và chiếm tỷ trọng 9,80% (cùng kỳ 2016 tăng 6,19% và chiếm tỷ trọng 9,24%); tín dụng đối với một số ngành dịch vụ tăng mạnh, trong đó ngành bán buôn và bán lẻ tăng 15,79% và chiếm tỷ trọng 17,29% (cùng kỳ 2016 tăng 9,35% và chiếm tỷ trọng 16,25%).
Tín dụng lái tập trung hơn vào các ngành động lực cho tăng trưởng kinh tế, sức hấp thụ vốn được cải thiện. Điều này góp phần hạn chế các yếu tố kích thích lạm phát từ tín dụng.
Ở cung tiền, thay vì những quan ngại đặt ra gần đây đối với áp lực lạm phát, tổng phương tiện thanh toán tính đến 31/10/2017 mới chỉ tăng 10,88%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2016 (13,51%). Nguyên do, năm nay nhu cầu vay của Chính phủ tại hệ thống ngân hàng tăng thấp, trong khi tiền gửi của Chính phủ tăng cao trong bối cảnh giải ngân vốn chậm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, với tốc độ trên sau 10 tháng, các giải pháp điều tiết cung tiền hợp lý đã giúp kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức hợp lý, hỗ trợ cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý không tác động lớn đến lạm phát CPI mục tiêu.
Cơ quan này cũng dự kiến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm nay là có thể đạt được, nếu không có các diễn biến bất thường.
Tăng trưởng tín dụng qua các tháng trong một năm trở lại đây - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước (đơn vị: %).
Thực chất, VND giảm giá mạnh
Như trên, tín dụng tăng cao hơn, những huy động vốn đầu vào tạo nguồn "nuôi hổ" lại có xu hướng chậm lại.
Cụ thể, huy động vốn từ nền kinh tế tính đến 31/10/2017 chỉ tăng 11,71% (cùng kỳ 2016 tăng 14,30%), trong đó huy động vốn VND tăng 12,53% (cùng kỳ 2016: 17,25%), huy động vốn ngoại tệ tăng 4,57% (cùng kỳ 2016: -6,12%).
Điểm được chú ý là huy động ngoại tệ tăng lên trong khi cùng kỳ năm trước giảm, dù lãi suất huy động USD áp trần 0%/năm. Dữ liệu chi tiết lý giải, tiền gửi ngoại tệ tăng chủ yếu từ các tổ chức kinh tế, do xuất khẩu tăng trưởng khả quan.
Trong khi đó, phản ánh chính sách chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư thể hiện rõ: tiền gửi ngoại tệ dân cư vào ngân hàng tiếp tục giảm thêm 2,91%, sau khi đã giảm tới 21,99% cùng kỳ 2016.
Việc người dân giảm mạnh việc găm giữ ngoại tệ như trên một phần vì chính sách trần lãi suất 0%, mặt khác do các cơn sốt tỷ giá USD/VND đã gần như loại trừ hẳn trong 10 tháng đầu 2017, cũng như triển vọng cả năm.
Đến ngày 31/10/2017, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 1,41%, nhưng tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,22%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,18% so với cuối năm 2016. Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.
Nhưng ở khía cạnh khác, VND ổn định như vậy, không phá giá mạnh và nhiều như trước đây thì không có giá trị hỗ trợ cho xuất khẩu?
Thực chất, VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái. Cụ thể VND đã giảm giá 4,78% so với CNY, giảm 9,49% so với EUR, giảm 7,99% so với KRW, giảm 2,32% so với JPY, giảm 6,48% so với TWD, giảm 7,48% so với THB và giảm 5,67% so với SGD.
Trở lại với tốc độ huy động vốn có dấu hiệu chậm đi, liệu có quan ngại về cân đối tín dụng tăng cao hơn để "nuôi hổ"?
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù vậy, thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được đảm bảo, thậm chí dư thừa ở mức hợp lý, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thậm chí nguồn vốn của các tổ chức tín dụng 10 tháng đầu năm nay còn hỗ trợ cả Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn cho các kỳ hạn dài lên đến 15-30 năm.
Đáng chú ý, chi phí "nuôi hổ" qua kênh huy động nguồn trái phiếu Chính phủ cũng nhờ đó mà giảm mạnh, lãi suất giảm từ 0,62% tới 1,89%/năm so với cuối năm 2016, tùy kỳ hạn.