09:52 16/04/2010

Công bố kết quả kiểm tra về giá 4 mặt hàng “nóng”

Y Nhung

Bộ Tài chính vừa công bố kết quả kiểm tra về giá 4 mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

Thép xây dựng là mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất trong quý 1/2010.
Thép xây dựng là mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất trong quý 1/2010.
Bộ Tài chính vừa cho biết đã tiến hành kiểm tra tại 17 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép xây dựng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng và đường. Thời kỳ kiểm tra tập trung vào các tháng cuối năm 2009 và các tháng đầu năm 2010.

Các nội dung kiểm tra chủ yếu là đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; việc tăng, giảm giá, nguyên nhân tăng, giảm giá; hạch toán một số các khoản chi phí có ảnh hưởng lớn đến giá thành, giá bán sản phẩm.

Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Tại 17 doanh nghiệp được kiểm tra, có 12 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký giá bán hàng hoá dịch vụ, chỉ có một doanh nghiệp đăng ký giá (nhưng đến tháng 7/2009 mới đăng ký), còn 11 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giá (chiếm 91,66%).

Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty Cổ phần Kim khí Hà Nội, Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ, Công ty Cổ phần Thép Vạn Lợi đã không thực hiện việc niêm yết giá bán các mặt hàng thép trong năm 2009 và các tháng đầu năm 2010.

Không những vậy, tất cả 17 doanh nghiệp bị kiểm tra đều bán hàng cho các đại lý và các đơn vị thấp hơn giá trần đăng ký.

Kết quả kiểm tra về việc tăng, giảm giá bán các loại hàng hóa cho thấy, năm 2009 và quý 1/2010, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng giá bán, trong đó, tăng mạnh vào quý 4/2009 và quý 1/2010.

Quý 1/2010, giá thép tăng gần gấp đôi mức tăng năm 2009

Năm 2009, giá bán các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trên thị trường tương đối ổn định, và sự điều chỉnh chủ yếu theo sự biến động của giá phôi, giá thép phế liệu trên thế giới.

Bước sang 2010, giá thép xây dựng trên thị trường nói chung và của các doanh nghiệp đều có xu hướng biến động và tăng giá mạnh ngay từ đầu năm đến giữa tháng 3.

Cụ thể, mức tăng giá đến ngày 23/3 là trên 13% và đã tăng gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Vào thời điểm tiến hành kiểm tra, từ ngày 15- 23/3, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam đều tăng giá bán bình quân từ 300 - 1.300 đồng/kg.

Tuy nhiên, báo cáo lại cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đều điều chỉnh giá bán sản phẩm theo xu hướng tăng giá của phôi thép và thép phế liệu trên thế giới, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2009 hiệu quả không cao, trong đó có không ít doanh nghiệp thua lỗ.

Trong đó, tổng công ty Thép Việt Nam đã lỗ 791 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thép Vạn Lợi lỗ 172 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ lỗ 171,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kim khí Hà Nội lỗ 20 tỷ đồng.

Riêng Công ty Cổ phần Kim khí miền Trung lãi 10 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên lãi 73,8 tỷ đồng.

Phân Urê liên tục tăng giá

Trong 9 tháng năm 2009, giá bán phân bón Urê đã được các công ty điều chỉnh từ 6- 15 lần. Tiếp đến trong quý 1/2010, các doanh nghiệp có từ 1- 4 lần tăng giá đối với loại phân bón này, với mức tăng giá từ 4,5-16,1%. Phân bón NPK thường và hạt, phân bón tổng hợp khác cũng đã tăng từ 100- 200 đồng/kg (tương đương 2-5%) so với cuối năm 2009.

Song về kết quả kinh doanh năm qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều có lãi. Theo báo cáo, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí lãi tới 1.519 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc lãi 519,6 tỷ đồng; Công ty Phân bón Bình Điền lãi 35,5 tỷ đồng…

Khí hóa lỏng được điều chỉnh giá từ 11-16 lần trong 2009

Cả năm 2009, các công ty khí hóa lỏng đã điều chỉnh giá từ 11- 16 lần. Sang quý 1 năm nay, mỗi công ty lại tăng giá 2 lần với mức tăng giá bình quân so với giá cuối năm 2009 là 3- 4,59%.

Nguyên nhân được cho là do giá nhập khẩu gas tăng (gas nhập khẩu chiếm 70% nhu cầu tiêu dùng). Thêm vào đó là sự biến động của tỷ giá ngoại tệ (USD) đã khiến các công ty kinh doanh gas trong nước cũng phải điều chỉnh giá.

Giá đường tháng sau tăng 2-16% so với tháng trước

Từ tháng 3/2009, các doanh nghiệp đường đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán, bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng 2- 16%.

Mức giá tăng cao nhất là giá bán tại thời điểm tháng 9/2009, so với mức giá tháng 1/2009 đã tăng 48- 66%. Quý 4/2009, giá bán đường tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng, giá bán bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng từ 1% - 11%.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, không chỉ chi phí nguyên liệu là mía cây - vốn chiếm tỷ trọng từ 82% trở lên trong giá thành - liên tục tăng, mà trên thế giới giá của mặt hàng này cũng liên tục tăng. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tăng giá đường trong nước. Còn tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của các doanh nghiệp khoảng từ 7,6- 25,4%.

Tuy nhiên, dựa vào kết quả kiểm tra 4 mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính chỉ ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đối với 11 doanh nghiệp, với tổng số tiền là 80,5 triệu đồng.

Ngoài yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc đăng ký giá đối với các mặt hàng, Bộ này còn đề nghị các doanh nghiệp thực hiện việc rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành và giá bán sản phẩm. Đồng thời can thiệp kịp thời khi có biến động về giá các mặt hàng, duy trì mức tồn kho cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ để góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường.

Riêng đối với mặt hàng đường, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá tác động, hiệu quả của việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường để thực hiện bình ổn giá đường thời gian vừa qua. Đồng thời cân đối cung cầu đường ăn trong nước để kiểm soát chặt việc nhập khẩu đường tránh tác động không có lợi cho sản xuất mía đường trong nước.