Công thức chuyển đổi số thành công từ chuyên gia hàng đầu thế giới
Một vài năm trước, cụm từ “chuyển đổi số” vẫn được nhắc đến như một khoản đầu tư thận trọng, viễn cảnh trong tương lai xa. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ và những mô hình kinh doanh mới đã khiến chuyển đổi số trở thành một yêu cầu mang tính chiến lược, tất yếu đối với sự sống còn của mỗi quốc gia hay doanh nghiệp…
Chiều 8/11, hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Định hình nền kinh tế số tương lai” do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức, với sự tham gia của những “bộ não” hàng đầu thế giới về chuyển đổi số đến từ Trường Kinh doanh Columbia là David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo.
CÙNG ĐI TÌM LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại Việt Nam, tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Hàng loạt các giải pháp chính sách cũng như nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu đã tạo nên một Việt Nam đổi mới, số hóa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua). Đến nay có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.
Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán lớn với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng hoặc những kết quả tăng trưởng bền vững đã đặt ra.
Ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối Ngân hàng số của MB, cho biết cùng chung tiến trình chuyển đổi số quốc gia, MB thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động của tập đoàn từ năm 2018. Mỗi năm, MB chi hàng triệu USD cho các dự án chuyển đổi số. Những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, nâng con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu tiên lên đến 25 triệu trong năm 2023 (tính đến ngày 30/10/2023). MB đạt 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó, riêng App MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày.
Giám đốc khối Ngân hàng số của MB ví von “muốn ăn hết một con voi thì không có cách nào khác là phải nhai từng miếng nhỏ”, để nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không phải là một dự án mà là một hành trình thử nghiệm và thay đổi liên tục để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
“Những năm trước, MB thường cử các nhân sự đi học hỏi về chuyển đổi số ở những thuộc top đầu trên thế giới về lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau vài năm quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi nhận được đề nghị từ nhiều đối tác lớn, mong muốn MB chia sẻ bài học kinh nghiệm chuyển đổi số. Do đó, ban lãnh đạo MB quyết định đưa những chuyên gia chuyển đổi số hàng đầu thế giới tới Việt Nam”, ông Trung nói.
Ông Vũ Thành Trung cho biết thêm đây là sự kiện mở màn trong chuỗi kế hoạch dài hạn thường niên về việc đưa những phương pháp luận, bài học thực tiễn triển khai trên thế giới đến Việt Nam, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình kiến tạo nền kinh tế số bền vững.
NĂM RÀO CẢN KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Giáo sư David Rogers - Trường Kinh doanh Columbia cho biết, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi một doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số đang không ngừng thay đổi. Lấy ví dụ về các doanh nghiệp điển hình như Grab, Toyota, Starlink, Viettel, Momo… Giáo sư David Rogers khẳng định chuyển đổi số không phải là về công nghệ mà là sự thay đổi chiến lược, tư duy và cách suy nghĩ mới. Tuy nhiên, đa số các công ty đều gặp thất bại trong quá trình tiến bộ này.
Chuyên gia chỉ ra 5 rào cản này khiến 70% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số: không có tầm nhìn chung, không kỷ luật trong xác định ưu tiên, không có thói quen thử nghiệm, không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.
Ở 30% còn lại, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số đều có điểm chung là xác định được tầm nhìn chung trong việc lựa chọn vấn đề quan trọng nhất trong việc kinh doanh. Những công ty này dám thử nghiệm cái mới, có tăng trưởng trên quy mô lớn, tập trung phát triển công nghệ, nhân tài và văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, mà phải được áp dụng liên tục, từ việc kinh doanh cho đến chính nhân sự trong doanh nghiệp, từ lãnh đạo đến nhân viên.
Có thể nói, chuyển đổi số yêu cầu tổ chức phải luôn sẵn sàng để đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ… Những khó khăn về tài lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng và chiến lược số hóa bài bản… đều là những vấn đề làm tăng nguy cơ thất bại khi triển khai thực tế.
"Với doanh nghiệp nói chung, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số là xử lý, hỗ trợ các vấn đề cho xã hội. Đây là chiến lược thay đổi về tư duy để áp dụng cái mới. Tất cả các doanh nghiệp ngày nay cần xác định tư duy mới trong quan hệ với khách hàng và đối tác để phát huy thế mạnh. Dữ liệu là tài sản cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp nào. Vấn đề là cần tạo ra nền tảng tiếp cận được với người tiêu dùng - đó cũng là bước chuyển đổi tư duy", GS Rogers đúc kết.
David L. Rogers là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác. Cuốn sách “The Digital Transformation Playbook” (Chiến lược chuyển đổi số) của tác giả David L. Rogers đã được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về thực tế triển khai chuyển đổi số.