Covid bùng phát đe doạ kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đang chứng kiến đợt bùng dịch Covid-19 mạnh nhất kể từ đầu năm...
Đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất ở Trung Quốc từ đầu năm đang đặt ra thách thức cho ngành du lịch và chi tiêu của người dân, đe doạ tăng trưởng kinh tế vào đúng thời điểm tiêu dùng bắt đầu khởi sắc.
Nhà chức trách vội đóng cửa các điểm du lịch, huỷ các sự kiện văn hoá và các chuyến bay, khi số ca nhiễm mới do biến chủng Delta đã xuất hiện ở một nửa trong số 32 tỉnh thành trực thuộc trung ương của Trung Quốc trong vòng chỉ 2 tuần trở lại đây. Ít nhất 46 thành phố đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trừ trường hợp thực sự cần thiết - truyền thông Trung Quốc cho hay.
“Sẽ có một số rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3, và mức độ ảnh hưởng trên thực tế sẽ tuỳ thuộc vào việc đợt dịch này kéo dài bao lâu, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng”, chuyên gia kinh tế Liu Peiqian thuộc Natwest Group nhận định.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn có những ổ dịch bùng phát rải rác, nhưng đều là những ổ dịch nhỏ và nhanh chóng được kiểm soát. Đợt dịch hiện nay đã dẫn tới việc đóng cửa tất cả các điểm du lịch ở Trương Gia Giới, một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Các thành phố khác ở Hồ Nam, Giang Tô và Sơn Tây cũng đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch.
Công suất ghế của các chuyến bay ở Trung Quốc trong tuần này giảm 9,8% so với tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tục, về mức tương đương 95,7% so với cùng kỳ năm 2019 - theo dữ liệu từ công ty OAG. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, các hãng hàng không ở Trung Quốc chào bán số lượng ghế bay ít hơn so với cùng kỳ trước đại dịch.
Đợt bùng dịch này tạo ra áp lực mới lên sự phục hồi còn mong manh của ngành bán lẻ Trung Quốc, đồng thời gia tăng thách thức đối với tăng trưởng kinh tế nước này trong nửa cuối của năm nay. Trước đó, giới phân tích đã dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc trong quý 3 và quý 4 do xuất khẩu tăng chậm lại, thị trường bất động sản hạ nhiệt, và đầu tư cơ sở hạ tầng yếu đi.
“Tăng trưởng tiền lương ở Trung Quốc cũng đang diễn ra chậm chạp, và nếu người dân giảm chi tiêu do bùng dịch, đó chắc chắn sẽ là một rào cản đối với tiêu dùng trong nửa sau của năm nay”, ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược thuộc China Renaissance Securities ở Hồng Kông, nhận định với hãng tin Bloomberg.
Bloomberg Economics ước tính rằng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có thể giảm 0,2% so với tháng trước trong tháng 7 và tháng 8, tương tự như ảnh hưởng trong đợt bùng dịch hồi đầu năm nay ở hai tỉnh Hà Bắc và Cát Lâm. Nếu tính cả năm, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc nhiều khả năng không đạt dự báo tăng 12%.
Giới chức Trung Quốc đã thận trọng về sự giảm tốc tăng trưởng trong những tháng sắp tới, theo đó cam kết sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm hơn 6%.
Lễ hội bia quốc tế Thanh Đảo, lễ hội bia lớn nhất Trung Quốc, đã phải đóng cửa sớm. Tỉnh Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc huỷ lễ hội rước đuốc, một sự kiện du lịch nổi tiếng của địa phương này. Hơn một chục lễ hội âm nhạc ở nhiều thành phố bị hoãn hoặc huỷ. Các rạp chiếu phim đóng cửa ở Nam Kinh, Trương Gia Giới, và Liên Vân Cảng.
Đợt dịch này cũng đã lan tới Bắc Kinh, cho dù thành phố thủ đô áp dụng các biện pháp chống dịch ngặt nghèo. Ngày 3/8, nhà chức trách Bắc Kinh đã cấm hành khách đi tàu từ 23 khu vực trên cả nước tới thành phố này, bao gồm từ Trịnh Châu, Nam Kinh, Dương Châu, Thẩm Dương và Đại Liên. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, tuần này cũng đã ghi nhận ca nhiễm mới.
Ngày 4/8, Trung Quốc báo cáo 86 ca nhiễm mới trong cộng đồng, bao gồm 15 ca không có triệu chứng, con số cao nhất trong 1 ngày kể từ tháng 1/2021. Theo Bloomberg, đợt bùng dịch này ở Trung Quốc bắt đầu từ một ổ dịch gồm các nhân viên vệ sinh sân bay ở thành phố Nam Kinh hồi giữa tháng 7. Biến chủng Delta có tốc độ lây nhanh và hoạt động đi lại gia tăng trong mùa hè được xem là nguyên nhân chính khiến các ca nhiễm lan ra các địa phương khác.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Iris Pang của ING Bank cho rằng các ca nhiễm mới không tập trung ở những khu vực có nhiều hoạt động công nghiệp và xuất khẩu, nên ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất sẽ được hạn chế.
“Nếu có ca nhiễm ở những địa điểm mới, là những thành phố trung tâm của các ngành dịch vụ và sản xuất, thì các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Pang nói.
Theo hãng tin BBC, để chống lại sự lây lan của biến chủng Delta, Trung Quốc đang triển khai tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi tại các trường học trên cả nước. Nhà chức trách nước này đã tiêm được 1,6 tỷ liều vaccine cho người dân trên toàn quốc.