09:06 27/12/2022

CPTPP là hiệp định đầu tiên đưa Việt Nam lên vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Vũ Khuê

Với vị thế của CPTPP, đặc biệt với kết quả thực thi, đã có rất nhiều đối tác quan tâm tới hiệp định. Ngoài Anh, nhiều nước khác đã nộp đơn xin gia nhập. Việt Nam là một trong các nước có lợi thế là quốc gia đi đầu, xét đơn gia nhập của các đối tác mới...

Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường CPTPP tăng mạnh trong 3 năm thực thi hiệp định.
Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường CPTPP tăng mạnh trong 3 năm thực thi hiệp định.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường này và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP” ngày 26/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, ngay trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lần đầu tiên chúng ta có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico đã tốc độ tăng trưởng gần 30%.

Ông Lương Hoàng Thái: "Thực thi CPTPP là một bước đệm để chúng ta có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác".
Ông Lương Hoàng Thái: "Thực thi CPTPP là một bước đệm để chúng ta có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác".

Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên chúng ta đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên một tỷ USD. Đây chính là tiền đề để chúng ta đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế.

Sau ba năm thực hiện, kết quả còn đáng khích lệ hơn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi điểm lại việc thực thi Hiệp định CPTPP, những con số Chính phủ báo cáo ra Quốc hội được đánh giá rất cao, đặc biệt những thị trường chúng ta mới mở, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao. Và tổng kim ngạch xuất siêu của chúng ta trong những tháng đầu năm của năm 2022 sang khối thị trường này đạt được mức lúc đó khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho những nỗ lực chung, những thành tích chung về xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt hơn, ngoài những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì đây là một hiệp định mà lần đầu tiên đưa chúng ta có một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi CPTPP cũng là một bước đệm để chúng ta có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác.

Để ý sẽ thấy, tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ thì đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là ba nước ở khu vực phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU. “Đây là bàn đạp để chúng ta có được những cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác”, ông Thái cho biết.

Đặc biệt nữa, khi chúng ta phê chuẩn CPTPP, thì có một số nước rất e ngại, một số nước thậm chí còn chưa phê chuẩn hiệp định này ở thời gian mà chúng ta phê chuẩn. Thế nhưng sau đó với vị thế của CPTPP, đặc biệt với kết quả thực thi, đã có rất nhiều đối tác quan tâm tới hiệp định. Ngoài Anh, còn có nhiều nước khác cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định.

“Đi làm hội nhập từ năm 1996, đây là lần đầu tiên tôi được thấy cảnh mình ngồi ở trong giống như ban giám khảo xét đơn gia nhập của các đối tác như Vương quốc Anh, Hàn Quốc hay thậm chí những nền kinh tế rất lớn bây giờ như Trung Quốc và Đài Loan”, ông Thái vui mừng chia sẻ.

Ngoài ra có nhiều nền kinh tế khác như Urugoay, Costa Rica ở rất xa họ cũng quan tâm đến hiệp định. Chứng tỏ rõ ràng vị thế của CPTPP đang được cải thiện.

Tuy nhiên, ông Thái cũng thẳng thắn cho rằng, lợi thế của chúng ta với vai trò người dũng cảm đi đầu triển khai hiệp định quốc tế này dần dần mất đi. Chúng ta thấy Malaysia, Chile vừa qua cũng đã gần như hoàn thành quá trình phê chuẩn. Một số nền kinh tế khác có thể thời gian tới cũng tham gia vào CPTPP.

Đây cũng là hiệp định lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực thi một cách bài bản. Giai đoạn ba năm là giai đoạn chạy đà và là giai đoạn chúng ta có được ưu đãi hơn các nước khác dường như bắt đầu sẽ mất đi.

“Vì vậy, với giai đoạn mới chúng ta bước vào triển khai thực thi hiệp định như thế nào để tăng cường hiệu quả hơn nữa là một vấn đề hết sức quan trọng”, ông Thái nhấn mạnh.