"Cú sốc" phân bón có thể thay đổi ngành nông nghiệp theo hướng tốt hơn?
Theo một số nhà phân tích, trong cái rủi cũng có cái may, bởi “cú sốc” phân bón năm 2022 có thể mang lại những lợi ích tương tự như cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970...
James Cox, chủ sở hữu một trang trại rộng gần 280 hecta ở hạt Gloucestershire, phía Tây Nam nước Anh, cảm thấy may mắn khi ông đã mua đủ lượng phân bón cần thiết để canh tác trong cả năm 2022 ngay trước khi giá mặt hàng này tăng vọt. Nhưng ông không có ý định dùng tất cả số phân bón này.
“Chúng tôi đã đang cân nhắc giảm lượng phân bón trong dùng trong vụ mùa năm nay để dành lại cho năm sau”, ông Cox nói.
Ông đang cố gắng tính toán chính xác xem mình có thể phân bổ lượng phân bón dự trữ này trong bao lâu mà không ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng thu hoạch.
“Chúng tôi có thể cắt giảm bao nhiêu phân bón so với dự tính ban đầu và bao nhiêu sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của vụ mùa năm nay?”, ông nói.
"CÚ SỐC" PHÂN BÓN
Đây là câu hỏi cung của nhiều nông dân trên thế giới. Chi phí phân bón hóa học – yếu tố quan trọng của nền nông nghiệp hiện đại, bao gồm nitơ, phốt pho và kali – vốn đã tăng vọt trong năm 2021.
Theo Bloomberg, nhiều lý do có thể kể đến như giá khí đốt tự nhiên tăng; giá nguyên liệu chính trong sản xuất phân đạm trên toàn cầu tăng; các cơn bão cuối mùa hè trên Bờ Vịnh Mỹ khiến nhiều nhà máy phân bón trong khu vực phải tạm thời đóng cửa; các biện pháp trừng phạt đối với một nhà sản xuất kali lớn của Belarus để đáp trả vụ bắt giữ một nhà báo…
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực và thực phẩm có thể tăng tới 22% trong năm 2022 và 2023, làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng dinh dưỡng và thậm chí là nạn đói.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên ngày càng gia tăng ở những nước như Trung Quốc - nhà sản xuất phốt phát lớn nhất thế giới – khiến nước này đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu mặt hàng này vào năm ngoái.
Tất cả những điều này xảy ra trước khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay. Trong khi đó, Nga lại là nhà xuất khẩu lớn đối với nhiều loại phân bón, khiến giá càng tăng mạnh, có thời điểm gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.
Cùng với nhiều loại hàng hóa khác, trong vài thập kỷ gần đây, thế giới ngày càng phụ thuộc vào phân bón Nga. Năm 1992, một năm sau khi Liên Xô tan rã, sản lượng nitơ của nước này đạt 4,9 triệu tấn, chiếm gần 7% lượng tiêu thụ toàn cầu, theo dữ liệu từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) và Green Markets. Tới năm 2019, tỷ lệ này tăng lên gần 10%. Tỷ trọng phốt phát và kali của Nga cũng tăng lên, lần lượt là khoảng 7% và 20%.
Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị gián đoạn nghiêm trọng. Một số nhà sản xuất của nước này đã chủ đích giảm lượng cung để phản ứng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Còn các hãng vận tải biển lớn dù có thể chở hàng cũng không sẵn sàng phục vụ.
Tình trạng thiếu hụt ở Brazil – nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu của Nga, cũng như nhiều nước phụ thuộc vào nguồn cung phân bón của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc, có thể dẫn tới sản lượng thu hoạch thấp hơn và chi phí canh tác tăng lên.
Trong một báo cáo vào tháng trước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực và thực phẩm có thể tăng tới 22% trong năm 2022 và 2023, làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng dinh dưỡng và thậm chí là nạn đói.
SẢN XUẤT NHIỀU HƠN VỚI ÍT TÁC ĐỘNG HƠN
Tuy vậy, theo một số nhà phân tích, trong cái rủi cũng có cái may, bởi “cú sốc” phân bón năm 2022 có thể mang lại những lợi ích tương tự như cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.
Khi đó, lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ của Ả Rập đã khiến nền kinh tế Mỹ sụp đổ, nhưng đây cũng là một động lực cho làn sóng tiết kiệm năng lượng, từ đó định hình lại ngành công nghiệp ô tô và xây dựng của nước này.
Trước sức ép từ các đối thủ châu Á, ba hãng ô tô lớn nhất tại Mỹ khi đó gồm General Motors, Ford Motor và Chrysler Stellantis đã cho ra mắt những mẫu xe nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Cùng với đó, những tiến bộ về công nghệ chiếu sáng, cách nhiệt và thiết bị gia dụng đã làm giảm tiêu thụ năng lượng trong các gia đình Mỹ.
Nhờ những đổi mới như vậy, nền kinh tế toàn cầu giảm phụ thuộc vào dầu mỏ hơn nhiều so với trước đây. Năm 1973, thế giới cần khoảng 1 thùng dầu để tạo ra 1.000 USD tổng sản phẩm nội địa (GDP) (tính theo giá năm 2015). Tới năm 2019, con số này giảm xuống còn 0,43 thùng dầu – tương đương mức giảm 56%.
Trở lại câu chuyện phân bón, việc sử dụng loại hóa chất này hiệu quả hơn cũng có thể mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh. Được cấp bằng sáng chế vào đầu những năm 1900, phương pháp Haber-Bosch - chuyển đổi nitơ trong không khí thành amoniac, hợp chất quan trọng để chế tạo phân bón tổng hợp - là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử.
Người ta ước tính rằng nếu không có phân bón nitơ, hành tinh sẽ chỉ có thể hỗ trợ cho khoảng một nửa trong 7,9 tỷ người trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt trái. Sản xuất amoniac tổng hợp thải ra nhiều carbon dioxide hơn bất kỳ quá trình sản xuất hóa chất nào.
Tác động chưa dừng lại ở đó. Các vi sinh vật có trong đất cũng phân hủy phân bón và giải phóng oxit nitơ vào bầu khí quyển, tác động làm trái đất nóng lên lớn gấp 300 lần so với CO2. Phân bón tổng hợp cũng là một mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. Phần lớn những gì được bón cho cây trồng bị cuốn trôi bởi mưa hoặc lũ lụt và chảy vào sông, hồ, đại dương – tác động tới hệ động thực vật ở đây.
“Sản xuất nhiều hơn với ít tác động hơn” là cách mà ông Patrick Heffer, phó tổng giám đốc của IFA cho là một thách thức lớn với giới nông dân. Tại nhiều quốc gia, nông dân đang thử nghiệm các phương pháp để sử dụng phân bón tổng hợp hiệu quả hơn.
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật như kiểm tra đất nghiêm ngặt hay nông nghiệp chính xác, các nhà sản xuất thực phẩm có thể xác định lượng phân bón mà đất canh tác của họ cần trong một vụ mùa nhất định.
Công tác đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng. Ở Trung Quốc, một dự án thí điểm trong 10 năm để đào tạo việc quả lý đất cho 21 triệu chủ đất nhỏ đã giúp tăng lợi nhuận vụ mùa bình quân thâm 10%, trong khi lượng phân bón sử dụng giảm tới 18%.
Tháng 11 năm ngoái, Nghị viện châu Âu (EP) đã biểu quyết thông qua chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn), đặt mục tiêu giảm 20% lượng sử dụng phân bón trong canh tác vào năm 2030.
Theo Bloomberg, dù có thể giảm thiểu, nhưng nhân loại có thể không bao giờ ngừng hoàn toàn việc sử dụng phân bón tổng hợp. Ước tính, sản lượng lương thực sẽ phải tăng 70% vào năm 2050 để đảm bảo cung cấp cho dân số ngày càng tăng.