Cuộc đua “nâng cấp” vaccine để chống lại Omicron
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới công bố một báo cáo kỹ thuật cho thấy, tuy biến thể Omicron gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn Delta nhưng lại dễ lây lan và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19…
Các nghiên cứu mới từ các nhóm nghiên cứu ở Đức, Nam Phi, Thụy Điển và công ty dược phẩm Pfizer, cho thấy khả năng vô hiệu hóa virus của các kháng thể được tạo ra bởi hai liều vaccine Pfizer-BioNTech giảm từ 25 đến 40 lần.
Nhưng có một điểm sáng trong các nghiên cứu, virus đã không hoàn toàn thoát khỏi khả năng miễn dịch khi tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba. Mũi tiêm tăng cường thứ ba dường như đã khôi phục các kháng thể về mức có khả năng bảo vệ chống lại các biến thể của SARS-CoV-2.
Soumya Swaminathan, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng, kết quả từ bốn nghiên cứu này rất khác nhau, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động trung hòa với Omicron từ 5 đến 40 lần. Các loại xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm cũng khác nhau và bao gồm một số lượng nhỏ các mẫu máu từ bệnh nhân.
Bà nhấn mạnh rằng khả năng miễn dịch không chỉ phụ thuộc vào các kháng thể trung hòa, hoạt động như một tuyến phòng thủ đầu tiên khi virus xâm nhập, mà còn phụ thuộc vào các tế bào B và tế bào T. Cho đến nay, các thử nghiệm cho thấy rằng những thành phần này - rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh trầm trọng và tử vong - ít bị ảnh hưởng hơn các kháng thể. Vì vậy, còn quá sớm để kết luận rằng việc giảm hoạt động trung hòa này sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, liệu những vaccine thế hệ đầu tiên có đủ để ngăn chặn Omicron hay không, vẫn còn phải tiếp tục xem xét. Một nghiên cứu về vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca, do bác sĩ người Đức Sandra Ciesek, người trực tiếp chỉ đạo Viện Virus Y tế tại Đại học Frankfurt cho thấy, mũi tiêm tăng cường dường như không hoạt động tốt theo thời gian.
Ciesek và nhóm của bà để các kháng thể của tình nguyện viên đã được tiêm vaccine Pfizer 3 tháng trước, tiếp xúc với virus Omicron, cho thấy giảm 37 lần khả năng của các kháng thể để trung hòa Omicron và Delta. Vì vậy, dữ liệu xác nhận rằng việc phát triển một loại vaccine phù hợp với Omicron là cần thiết.
Cả Pfizer và Moderna đều đang cập nhật lại vaccine của họ để phù hợp hơn với những thay đổi trong biến thể Omicron. Trong một thông cáo báo chí, hãng Pfizer cho biết họ có thể bắt đầu giao vaccine được cập nhật vào tháng 3 tới, trong khi chờ sự cho phép. Còn nghiên cứu của AstraZeneca đang tiến hành ở Botswana và Eswatini, là hai nước đã phát hiện biến chủng Omicron, và các dữ liệu về hiệu quả của vaccine với biến thể là những kết quả thu được từ thực tế. Ngoài vaccine, AstraZeneca có hỗn hợp kháng thể đơn dòng có thể sử dụng để phòng ngừa và điều trị Covid-19. Công ty cũng lạc quan là hỗn hợp điều trị này có thể vẫn giữ được hiệu quả với biến thể Omicron.
Đối với nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, vaccine Sputnik V, nếu cần thiết, có thể nhanh chóng được điều chỉnh để đối phó với biến chủng Omicron. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác để phát triển vaccine, đặc biệt là nghiên cứu về khả năng tiêm kết hợp chúng với nhau.
Giới chức y tế Cuba cho biết các nhà nghiên cứu nước này cũng đang phát triển một phiên bản mới của vaccine Covid-19 nội địa nhằm tăng cường khả năng chống lại đại dịch và bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vaccine Finlay Vicente Vérez tuyên bố dòng vaccine Soberana của Cuba có tác dụng “bảo vệ ở một mức độ nhất định” trước biến thể Omicron, đồng thời tiết lộ các nhà nghiên cứu Cuba đã bắt đầu phát triển phiên bản Soberana Plus với protein RBD từ biến thể Omicron.
Hiện Cuba là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2, bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 loại vaccine khác đang được thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Cuba nhận định đây là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của quốc gia này trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, bên cạnh chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng rộng rãi sớm nhất có thể. Đến nay, Cuba đã tiêm ngừa cho hơn 90% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, và đang xuất khẩu các loại vaccine nói trên sang Iran, Venezuela, Nicaragua và Việt Nam. Các quốc gia như Argentina và Mexico cũng tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm này.
Trong khi đó, tờ Global Times đưa tin các nhà dịch tễ học Trung Quốc đã kêu gọi nỗ lực chung trên toàn cầu về nghiên cứu vaccine, kháng thể và thuốc điều trị biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2. Cùng lúc đó, giới chuyên gia bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa biến thể mới khi chỉ cần 2 tháng để phát triển vaccine nhắm vào Omicron, nếu liều bổ sung bị giảm hiệu quả.
Sinovac, một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu của Trung Quốc, ngày 11/12 cho hay đã tiến hành nghiên cứu về Omicron sau khi nhận được mẫu phẩm của các nhà nghiên cứu ở Hong Kong. Nhóm nghiên cứu do ông Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong đã phân lập thành công biến thể Omicron vào ngày 29/11. Đây là nhóm chuyên gia đầu tiên ở châu Á làm được điều này.
Ông Wu Guizhen, chuyên gia hàng đầu tại Viện Quốc gia về Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh do virus, kết quả phân lập Omicron của Hong Kong đã giúp Trung Quốc Đại lục đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển vaccine liên quan. Ngoài vaccine, thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc cũng duy trì được hiệu quả trung hoà với biến thể Omicron.
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học Trung Quốc vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều vaccine bổ sung nhằm tăng lượng kháng thể trung hoà chống virus SARS-CoV-2. Thậm chí khi biến thể Omicron có thể lẩn trốn kháng thể, nồng độ kháng thể cao vẫn đảm bảo được tính hiệu quả của vaccine.