Đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán của người dân Thủ đô
Để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đến của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hà Nội đã tổng hợp 1.208 điểm phân phối, lên phương án để mở cửa liên tục trong dịp Tết phục vụ người dân, kể cả ngày mồng 1 Tết….
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn cung nông lâm sản và thuỷ sản phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lễ hội Xuân 2022.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng UBND TP. Hà Nội đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất cung ứng lương thực, thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán.
HƠN 1000 ĐIỂM BÁN HÀNG THỰC PHẨM VẪN MỞ CỬA TRONG NGÀY MỒNG 1 TẾT
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện có khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, làm việc nên nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm rất lớn. Năng lực sản xuất của nông nghiệp Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ ở các loại thực phẩm: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Với gạo, thịt trâu bò, thuỷ sản và rau xanh thì còn thiếu, phải đưa từ các tỉnh khác đến.
Để bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đơn vị đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 55 tỉnh thành trên cả nước, đưa sản phẩm của 1.130 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến về tiêu thụ trên địa bàn TP. Sản lượng cung ứng hàng tháng từ các tỉnh thành đối với một số nhóm ngành hàng chính như: Rau, củ, trái cây (khoảng 92.600 tấn); thịt gia súc, gia cầm (hơn 13.200 tấn); thuỷ sản (gần 11.350 tấn)…
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, để bảo đảm đưa nông sản, thực phẩm đến với người dân Thủ đô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở đã tổng hợp 1.208 điểm phân phối, lên phương án để mở cửa liên tục trong dịp Tết phục vụ người dân, kể cả ngày mồng 1 Tết.
"Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Công thương Hà Nội cũng tạo điều kiện hoạt động cho 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện tích, gần 1.800 cửa hàng trái cây... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc, mọi nơi cho người dân Thủ đô".
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, hiện nay các đoàn liên ngành của thành phố đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Vào dịp Tết, Sở Y tế Hà Nội sẽ chú trọng nhiều hơn đến công tác giám sát ngộ độc thực phẩm. Ngành y tế tiếp tục duy trì 4 đội cơ động để xử lý vấn đề về an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội cơ bản bảo đảm được hai mục tiêu là đáp ứng đủ về sản lượng và quản lý tốt chất lượng nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô. TP đã phân cấp rất rõ trách nhiệm, do đó các sở ngành có sự vào cuộc tích cực. Nhờ đó vấn đề an toàn thực phẩm của Hà Nội cơ bản được bảo đảm tốt, không phát sinh vụ việc phức tạp.
“Thành phố đã lên sẵn nhiều kịch bản cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong dịp tết Nguyên đán. Dự báo năm nay, số lượng người ở lại Hà Nội ăn tết nhiều hơn mọi năm, nên nguồn cung thực phẩm cũng phải chuẩn bị dồi dào hơn. Về định hướng phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô, ông Quyền cho rằng Hà Nội cần một định hướng riêng”, ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.
Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của TP trong việc triển khai Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm sản và thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phát triển các nội dung của Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) nhằm phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội.
CẦN CHÚ TRỌNG BAO BÌ, TEM NHÃN
Ông Đào Quang Vinh, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, cho biết, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một lò mổ với dây chuyền giết mổ hiện đại, quy mô lớn bậc nhất tại khu vực miền Bắc.
Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc, phục vụ cho công tác giết mổ, chế biến thịt lợn của công ty được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc với công suất từ 600 - 1.000 con lợn/ca. Toàn bộ lợn giết mổ đều được thực hiện theo chuỗi liên kết chăn nuôi.
Việc áp dụng máy móc và thiết bị hiện đại giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh, đạt công suất cao hơn so với những lò giết mổ thông thường. Công ty Vinh Anh cũng đã đầu tư hệ thống xe ô tô chuyên dùng có hệ thống lạnh để phân phối đảm bảo an toàn thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty Vinh Anh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm do các bếp ăn tập thể, nhà hàng ngừng hoạt động. Xu thế ấy kéo dài đến hiện tại. Giám đốc Đào Quang Vinh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP. Hà Nội có biện pháp hỗ trợ cho sản phẩm thịt mát, giúp nhiều người dân biết đến hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp Hà Nội trong năm đại dịch 2021, ghi nhận việc thành phố tập trung phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, và 40 nhãn hiệu được bảo hộ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức tổ chức hội chợ, chợ trực tuyến. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các sản phẩm truyền thống phục vụ dịp tết Nguyên đán vẫn được đảm bảo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hà Nội cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá có chất lượng phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để người sản xuất có ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; người tiêu dùng có những lựa chọn thông thái về nông sản, thực phẩm thiết yếu cho gia đình.
Thời gian tới, đề nghị Hà Nội tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết, đồng thời có phương án tuyên truyền, giới thiệu cho người dân lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, Thứ trưởng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, từ nơi sản xuất đến sơ chế, chế biến đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
“Việc đóng gói bao bì làm sao cho bắt mắt, giúp quảng bá, và nhận diện thương hiệu sản phẩm dễ dàng trong cộng đồng, cần sử dụng tem an toàn thực phẩm, giúp định hướng tiêu dùng cho cộng đồng. Các cơ sở sản xuất cần chú ý đến tem nhãn để người tiêu cùng có thể nhận biết sản phẩm an toàn, chất lượng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt,” Hội chợ Xuân Nhâm Dần diễn ra từ 22-29/1/2022 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Hội chợ có quy mô 50 gian hàng tiêu chuẩn và 360m2 đất trống ngoài trời với sự góp mặt của gần 50 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông đặc sản vùng miền, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, quà tặng.
Hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm phẩm đến từ gần 20 tỉnh, thành trong cả nước như Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sóc Sơn, Hà Nộii…
Các sản phẩm bày bán tại hội chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín được kiểm soát an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP như hải sản tươi sống và chế biến, chả mực Hạ Long; chả cá thác lác; giò me Nghệ An; trầm hương, nấm lim xanh Quảng Nam; sữa gạo lứt, nước mía, đường Lam Sơn… và nhiều loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán cho người dân Thủ đô.
Đặc biệt, với diện tích 360 m2 đất trống ngoài trời là nơi trưng bày của các loại hoa, cây cảnh như cây bon sai, lan hồ điệp, địa lan, hoa lily, mai vàng, mai trắng, quất, đào...