08:41 14/09/2022

Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ngành dệt may

Song Hà

Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế...

Dệt may đứng trong TOP đầu kim ngạch xuất khẩu.
Dệt may đứng trong TOP đầu kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may Việt Nam đã có quá trình phát triển khá nhanh và ngoạn mục. Nếu như năm 2001 xuất khẩu dệt may cả nước chỉ đạt 1,96 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã là 27 tỷ USD và năm 2021 vượt lên 40,4 tỷ USD.

ĐỨNG TOP ĐẦU VỀ KIM NGẠCH XUẤT KHẨU

Không chỉ đứng trong TOP đầu kim ngạch xuất khẩu với 40,4 tỷ USD năm 2021, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, dệt may còn là ngành xuất siêu lớn của Việt Nam, với 16,2 tỷ USD năm 2021 và 11 tỷ USD 7 tháng năm 2022.

Hoa Kỳ luôn dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, chiếm gần 42% (năm 2021), tiếp theo là Trung Quốc (11,04%), Hàn Quốc (9,05%), Nhật Bản (8,58%), EU (8,56%)...

Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ngành dệt may  - Ảnh 1

Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, sự tham gia của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may cũng rất lớn. Tỷ trọng xuất khẩu dệt may của các doanh FDI trong ngành dệt may rất lớn, chiếm 60%. Đến hết năm 2021 đã có 32,9 tỷ USD vốn FDI đổ vào dệt may.

Dệt may cũng là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động, thu hút tới 2 triệu lao động. Ngoài ra, gần 1 triệu lao động làm trong các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, tức chiếm 25% lao động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và chiếm 12,5% lao động của cả nước.

Thu nhập bình quân lao động trong ngành khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng, tạo ra thu nhập 200.000 tỷ đồng/năm (khoảng 8,6 tỷ USD/năm), nếu tính cả thương mại dịch vụ là 13 tỷ USD/năm.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam chiếm 5,2% thị phần toàn cầu. Năm 2021 Việt Nam đứng thứ 4 trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc (sau Trung Quốc, EU, Bangladesh) và đứng thứ 7 xuất khẩu hàng dệt trên thế giới (sau Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Hoa Kỳ).

Mặc dù vậy, điểm hạn chế lớn nhất của ngành dệt may, theo ông Cẩm, là tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu khá lớn. Chúng ta nhập khẩu nhiều vải, bông, phụ liệu…, chủ yếu từ Trung Quốc (trên 51%), Hàn Quốc 9,7%, EU 11,3%, Mỹ 6%... Đặc biệt trong khối RCEP nhập khẩu dệt may chiếm tới 71,6% toàn bộ kim ngạch nhập khẩu.

CHUYỂN DẦN TRỌNG TÂM SANG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đóng góp lớn vào nền kinh tế, nhưng dệt may lại là ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo ra 1 kg sợi, cần tới 200 lít nước. Công đoạn có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu và sau đó là làm sạch sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, bản thân cây bông (cotton) cũng ngốn tới 19.000 lít nước để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc sản xuất một chiếc áo phông. Bên cạnh đó, lượng khí thải và chất thải rắn cũng là vấn đề lớn của dệt may. 

Chính những ảnh hưởng tiêu cực này đã khiến một số quốc gia trên thế giới đã đặt ra tiêu chuẩn bền vững cho hàng dệt may nhập khẩu vào nước họ. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi, “xanh hoá” để phát triển bền vững. Từ thực tế đó, một trong những định hướng quan trọng của ngành dệt may Việt Nam là phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận rằng giai đoạn phát triển nhanh của ngành dệt may đã qua. Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Khi đó, kim ngạch xuất khẩu bình quân dự kiến sẽ tăng từ 5-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 (năm 2030 dự kiến 68-70 tỷ USD); tăng từ 2-3%/năm trong giai đoạn từ 2031 đến 2045 (năm 2045 đạt khoảng 95 – 100 tỷ USD).

Cho rằng phát triển bền vững là xu thế chung, vì vậy ngành dệt may Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2017, ngành đã thành lập Uỷ ban Phát triển bền vững về môi trường và lao động, phối hợp với nhiều tổ chức trên thế giới để triển khai thực hiện.

 
Ông Trương Văn CẩmPhó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)
Ông Trương Văn CẩmPhó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Ông Cẩm cho biết Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra mô hình PPP cho phát triển bền vững. Trong đó điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải có lãi, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động cũng như có mối quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp; ít xả rác thải, tái sử dụng nước, tái chế, truy xuất nguồn gốc.

Mặc dù vậy, quá trình phát triển bền vững, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn cung nguyên phụ liệu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu (bông, xơ, vải, phụ liệu), do chúng ta mới tự túc được khoảng 30-35% nên doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Đối với khâu dệt nhuộm, do chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thậm chí, nhiều địa phương do vấn đề ô nhiễm môi trường nên vẫn theo nhận thức cũ không mặn mà với việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm.

Bên cạnh đó, chi phí cho phát triển bền vững tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quyết tâm hoặc chưa đủ nguồn lực thực hiện.

Mặt khác, hầu hết các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam là các thị trường đẳng cấp, khó tính có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm… Ở một số thị trường hiện nay, khách hàng thay đổi nhận thức từ “thời trang nhanh” sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn. Đặc biệt, họ quan tâm tới việc các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động, môi trường.

Một khó khăn nữa, đó là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp 4.0 và các khâu dệt, nhuộm, thiết kế. Trong khi nhu cầu về vốn rất lớn cho phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn cũng đang là thách thức với ngành dệt may Việt Nam mà không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đáp ứng.

THÚC ĐẨY KINH DOANH TUẦN HOÀN NGÀNH DỆT MAY

Trước những vấn đề đặt ra, ngành dệt may Việt Nam buộc phải thúc đẩy mạnh mẽ kinh doanh tuần hoàn để phát triển, nhất là khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng tại COP 26, cùng đó thị trường xuất khẩu lớn của ngành đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm tái chế.

Bên cạnh đó là các yêu cầu tuân thủ pháp luật về môi trường (Luật Môi trường), Nghị định 08 hướng dẫn Luật Môi trường… Hơn nữa từ thực tế chúng ta thấy dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm từ thói quen sản xuất tiêu dùng theo mô hình “thời trang nhanh”, nghĩa là sản xuất tràn lan, dùng nhanh, vứt nhanh, gây hại môi trường... Theo một nghiên cứu, ngành dệt may thải bỏ khoảng 92 triệu tấn thải mỗi năm.

Quan trọng nữa là từ yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu lớn. Cụ thể, châu Âu với chiến lược mới “Dệt may bền vững” đã được thông qua gồm 3 tiêu chuẩn: độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc; doanh nghiệp phải in dữ liệu liên quan tiêu chuẩn và quá trình sản xuất trên nhãn quần áo; cấm công ty không vứt bỏ quần áo không bán được hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ…

“Do đó, yêu cầu đặt ra là tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên nước và giảm tác động môi trường bằng cách tăng độ bền của sản phẩm, tái sử dụng, tái chế, kéo dài tuổi thọ sản phẩm”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Song để làm được những điều này, tận dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, đại diện Vitas cho rằng trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn. Tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn.

Đặc biệt có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái… tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi. Tập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao…

Đồng thời, phối hợp với nhãn hàng để thực hiện yêu cầu xanh, bền vững, thiết kế sinh thái... của thị trường. Liên kết với các doanh nghiệp trong ngành, trong khu công nghiệp để cùng thực hiện (thu gom nước thải, phế thải để xử lý, tái sử dụng).