Đề xuất cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội, "ngăn" tín dụng đen
Hiện có tình trạng thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn nhiều so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần…
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các địa phương, đơn vị đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.
Mới đây, góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang; Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”.
Lý do là thực tế hiện nay, có tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Điều này dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi tuyển lao động chỉ tuyển người dưới 30 tuổi, phải có bằng tốt ngiệp trung học phổ thông… dẫn đến người lao động mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động nhằm thực hiện việc mua bán số bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng cảnh báo, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng. Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đã xảy ra tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội, các đơn vị cũng đề xuất sửa đổi phương án 2 về rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng.
Cụ thể, phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, với phương án 2 thì người lao động chỉ hưởng tối đa trên ½ tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nên vẫn trong diện bao phủ bảo hiểm xã hội và khi về già vẫn có khoản trợ cấp để trang trải cuộc sống. Cùng với đó, một bộ phận người lao động thực sự cần tiền để trang trải nhu cầu cấp bách sau khi nghỉ việc nên cần thiết được hưởng kịp thời để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Quy định này cũng nhằm ngăn chặn được tình trạng thu gom sổ bảo hiểm xã hội, người lao động rất thiệt thòi khi thường chỉ nhận được 1/3 đến 1 nửa giá trị thực của sổ. Từ năm 2020 đến 2022 có trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, dẫn đến tình trạng “tín dụng đen”, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, ngay cả khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có các giải pháp công nghệ tối đa nhưng vẫn bị vi phạm vào thời hạn 12 tháng vì tại thời điểm giải quyết đã đảm bảo đúng quy định nhưng đơn vị báo tăng sau khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động đơn vị mới phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội; do thanh tra, kiểm tra; do hợp đồng lao động có điều khoản thử việc...).
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng “bán non sổ bảo hiểm xã hội” cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định chờ từ 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội mới được rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, cơ quan này đề xuất giảm xuống mức khoảng 3 tháng.