Đề xuất đưa nghệ thuật Lân Sư Rồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, múa Lân Sư Rồng là một kho tàng văn hóa vô giá, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam….
Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét đưa nghệ thuật Lân Sư Rồng - một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các quy định liên quan, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp Liên đoàn Lân Sư Rồng Thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Lân Sư Rồng TP.HCM.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, giá trị văn hóa của nghệ thuật Lân Sư Rồng được cộng đồng người Hoa di cư và sau đó định cư, an cư lạc nghiệp tại Sài Gòn xưa kia đem các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa Trung Quốc song hành theo cuộc sống hàng ngày.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng với các động tác, tư thế, điệu múa đẹp mắt, mạo hiểm, cùng nhịp trống, thanh la rộn rã thể hiện sự oai phong. Cùng với đó, nghệ nhân múa Lân Sư Rồng trang phục nổi bật thu hút ánh nhìn.
“Múa Lân Sư Rồng vì thế không chỉ đáp ứng mong muốn cầu may mắn, thịnh vượng mà còn thỏa mãn nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa, nhu cầu được vui vẻ, thoải mái, hòa đồng của cả cộng đồng”, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết.
Về giá trị văn hóa vật chất, nghệ thuật Lân Sư Rồng không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội, các hội thi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mà còn phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu. Đồng thời, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho các đoàn Lân Sư Rồng để ổn định, duy trì và phát triển đoàn.
Ngoài ra, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp các ngành nghề thủ công như may mặc, sản xuất công cụ, đạo cụ, nhạc cụ... phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Về giá trị giáo dục, bảo lưu, trao truyền văn hóa truyền thống, nghệ thuật Lân Sư Rồng ban đầu được biểu diễn giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, vừa để giao đấu, thị uy thanh thể cho các lò võ. Sau đó các đoàn Lân Sư Rồng chuyên nghiệp được lập ra, không những biểu diễn kiếm thêm thu nhập cho các môn sinh mà qua đó còn bảo lưu, trao truyền các giá trị của bộ môn nghệ thuật này cho cộng đồng người Hoa trên đất Việt.
Trong khi đó, về giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật Lân Sư Rồng là kho tư liệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gắn liền với quá trình di cư, định cư, phát triển kinh tế và phản ánh hiện thực đời sống xã hội của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Bên cạnh đó, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu như tạo không khí vui mừng, náo nhiệt của những ngày lễ Tết. Đồng thời là môn thể thao, được chính thức thi đấu trong và ngoài nước.
Mặt khác, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang nhiều yếu tố nhân văn khi nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tập hợp được các trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng công ăn việc làm, cũng như chí hướng phát triển tương lai.
Ba linh vật Lân, Sư, Rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trương, động thổ,... với ý nghĩa truyền tải thông điệp về sự may mắn và sự bảo hộ. Hiện nay, tại TP.HCM có trên 60 đoàn Lân Sư Rồng với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở quận 5, quận 11, quận 8, Bình Tân.