Đề xuất quy định riêng cho phương thức đặt hàng đặc thù in, đúc, sản xuất tiền
Ngân hàng Nhà nước mong muốn có cơ chế đặc thù cho việc đặt hàng in, đúc, sản xuất tiền để không ảnh hướng tới việc cung ứng tiền mặt...
Dự thảo quy định phương thức đặt hàng đặc thù của Ngân hàng Nhà nước đối với các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền để thực hiện “in tiền giấy, giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại” vừa được đưa ra lấy ý kiến.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị hợp pháp, có chức năng "in tiền giấy, giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại"; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm "in tiền giấy, giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại".
Đồng thời, dự thảo nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đặt hàng các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền để thực hiện "in tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại" khi đáp ứng hai điều kiện.
Thứ nhất, các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền hợp pháp, có chức năng "in tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại"; có đủ năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu của việc sản xuất, cung ứng sản phẩm theo hợp đồng đặt hàng.
Thứ hai, có định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đồng thời, hằng năm, căn cứ đơn giá tối đa sản phẩm cùng loại năm gần nhất do Bộ Tài chính ban hành, Ngân hàng Nhà nước chủ động xác định đơn giá tạm tính để ký hợp đồng đặt hàng và tạm thanh toán cho các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền.
Sau khi dịch vụ "in tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại" được thực hiện đặt hàng và hoàn thành, trên cơ sở thẩm định phương án giá và đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ban hành đơn giá tối đa làm căn cứ Ngân hàng Nhà nước quyết định đơn giá cụ thể để thanh, quyết toán với các cơ in, đúc, sản xuất tiền theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm lựa chọn, quyết định số lượng cơ sở in, đúc, sản xuất tiền đủ điều kiện để đặt hàng "in tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại" phù hợp với yêu cầu quản lý về tiền tệ và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Trường hợp thực hiện "in tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại" ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế và đảm bảo dự trữ an ninh tiền tệ quốc gia, việc ban hành 1 quy định riêng để quy định phương thức đặt hàng đặc thù của Ngân hàng Nhà nước đối với các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền là hết sức cần thiết.
Được biết, do không đáp ứng được điều kiện của Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn chi thường xuyên nên Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc in, đúc, sản xuất tiền của Ngân hàng Nhà nước không đủ điều kiện để thực hiện theo cơ chế đặt hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế và đảm bảo dự trữ an ninh tiền tệ quốc gia việc ban hành 1 quy định riêng để quy định phương thức đặt hàng đặc thù của Ngân hàng Nhà nước đối với các cơ sở in, đúc, sản xuất tiền là hết sức cần thiết. Hằng năm, căn cứ dự báo nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, nhu cầu tiền dự trữ phát hành, nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông Ngân hàng Nhà nước quyết định cơ cấu, số lượng, giá trị tiền đang lưu hành cần in, đúc, sản xuất thêm.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở in, đúc, sản xuất tiền để giao thực hiện kế hoạch in, đúc, sản xuất tiền hàng năm. Nếu Ngân hàng Nhà nước dừng thực hiện in tiền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng tiền mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông tiền tệ và phát triển kinh tế cũng như không đảm bảo dự trữ an ninh tiền tệ quốc gia.