Điện tăng giá, vẫn không lo mục tiêu lạm phát
Sau 4 năm không tăng giá điện, ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với Tổng cục Thống kê về vấn đề này...
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, mức tăng giá này sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 chỉ tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm. Và lạm phát cả năm dự kiến sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4,5%.
Được sự đồng ý của Bộ Công Thương, EVN vừa chính thức tăng giá điện thêm 3% (tương đương 56 đồng/kwh). Theo bà, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc tăng giá này có hợp lý?
Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới 26.462 tỷ đồng.
Ngày 4/5/2023, sau 4 năm giá điện không thay đổi, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), nghĩa là chỉ tăng 3%, tương đương với 56 đồng/kwh so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Điện là mặt hàng năng lượng chiến lược, rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Hiện nay, sự suy giảm của kinh tế thế giới đã tác động tới kinh tế Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng chậm lại, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn.
Trước bối cảnh đó, mức tăng giá điện 3% tại thời điểm hiện nay, theo chúng tôi là phù hợp nhằm bảo đảm hoạt động cung ứng điện cho người dân và doanh nghiệp.
Theo bà, việc tăng giá này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp?
Điện được sử dụng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế. Tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Trong các khu vực kinh tế, sản lượng điện phục vụ cho công nghiệp và xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, ước tính 4 tháng đầu năm 2023 chiếm 54% tổng sản lượng điện tiêu thụ nên đây là khu vực chịu tác động nhiều nhất khi giá điện tăng, nhất là đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vì điện là nguồn năng lượng chính giúp vận hành hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ còn lạc hậu nên việc tiêu thụ điện năng sẽ tốn kém hơn. Việc tăng giá điện đòi hỏi các doanh nghiệp phải sớm cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện. Đồng thời, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu hướng của thế giới.
Việc tăng giá điện lần này, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, sẽ ảnh hưởng thế nào tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng sau và có ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát lạm phát năm nay của Việt Nam hay không?
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện bình quân tăng 3% chỉ tác động trực tiếp làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Trong các tháng còn lại của năm, theo chúng tôi, bên cạnh việc tăng giá điện thì còn có các yếu tố khác có thể gây áp lực lên lạm phát như giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới hiện nay vẫn đang ở mức cao, cùng với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường thế giới, qua đó tác động tới giá hàng hóa sản xuất và tiêu dùng ở nước ta.
Việc tăng lương từ ngày 1/7/2023, thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình (như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) cũng sẽ tác động tới CPI trong năm 2023. Áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ, giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát. Dịch vụ du lịch cũng có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2023, kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao làm tăng CPI.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát, năm nay cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, như Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.
Với kinh nghiệm điều hành giá thành công trong những năm vừa qua của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, Tổng cục Thống kê dự kiến rằng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4,5%.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam