08:42 18/03/2008

“Đô” còn “rơi” bao xa?

Kiều Oanh

Nhiều nhà phân tích đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo về sự xói mòn toàn diện niềm tin đối với USD và các loại tài sản bằng USD

Euro đang ở thế áp đảo so với USD.
Euro đang ở thế áp đảo so với USD.
Vào lúc này, gần như ai cũng tin rằng giá trị của các đồng tiền của châu Âu như Euro, Bảng Anh và Franc Thụy Sỹ, cũng như Yên Nhật đang ở mức quá cao so với USD.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, giá trị hợp lý của USD so với Euro lẽ ra phải là 1 Euro đổi được 1,21 USD, thay vì mức 1 Euro tương đương 1,58 USD như trong ngày 17/3 này.

Nhưng giới quan sát vẫn dự báo, trong một vài tuần tới, giá USD thậm chí còn giảm sâu nữa.

Có nhiều yếu tố đang “cài bẫy” USD, từ tình hình kinh tế khả quan hơn so với nước Mỹ tại nhiều khu vực khác trên thế giới, tới những sự kiện gây sốc như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và JPMorgan Chase “ra tay” cứu tập đoàn đầu tư Bear Stearns đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng hôm 14/3, động thái của FED bất ngờ cắt giảm lãi suất chiết khấu - loại lãi suất áp dụng cho các khoản vay của FED đối với các tổ chức tài chính - từ 3,5% xuống còn 3,25% hôm 16/3, và việc JPMorgan Chase cũng trong ngày 16/3 đồng ý mua lại Bear Stearns với giá 2 USD/cổ phiếu - chưa bằng 1/10 giá trị thị trường của tập đoàn này cách đó chỉ 2 ngày.

Mặc dù tính tới thời điểm này, sự sụt giảm giá trị của USD có thể nói là vẫn chưa vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng nhiều nhà phân tích đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo về sự xói mòn toàn diện niềm tin đối với USD và các loại tài sản bằng USD.

USD và tăng trưởng kinh tế

Các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu đang có xu hướng hành động trái ngược nhau. Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke thì rất tích cực trong việc cắt giảm lãi suất và luôn nhấn mạnh về nguy cơ sụt giảm tăng trưởng kinh tế, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet thì không chỉ phản đối chuyện cắt giảm lãi suất mà còn tỏ ra rất lo lắng về các nguy cơ lạm phát.

Sự khác biệt ưu tiên này một phần xuất phát từ những khác biệt trong nhiệm vụ mà ECB mà FED được trao. Ưu tiên số một của ECB luôn là chống lạm phát, trong khi FED chịu trách nhiệm duy trì tăng trưởng và tạo việc làm.

Nhưng còn có một khác biệt lớn nữa là kinh tế Mỹ hiện nay đang trên đà “thẳng tiến” vào suy thoái, cùng với một hệ thống tài chính ngày càng suy yếu mà biểu hiện rõ nhất là vụ JPMorgan Chase mua lại tập đoàn đầu tư từng một thời hàng đầu thế giới Bear Stearns với giá “rẻ như cho”.

Ngược lại, kinh tế châu Âu hiện vẫn ở tình trạng khá “khỏe mạnh”, khiến đồng Euro và các tài sản bằng đồng Euro trở nên an toàn hơn trong mắt giới đầu tư. “Rõ ràng kinh tế châu Âu có tăng trưởng chậm đi đôi chút, nhưng chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy kinh tế châu Âu thời gian qua đi xuống đồng thời với kinh tế Mỹ”, nhà phân tích tiền tệ David Woo của Barclays Capital nhận định.

USD và giá hàng hóa

Sự khác biệt trong bức tranh kinh tế và khả năng cắt giảm lãi suất sâu hơn ở Mỹ rõ ràng có lợi cho Euro và gây bất lợi cho USD. Nhưng còn có những yếu tố đáng lo ngại khác đè nặng lên đồng “bạc xanh” đang “ốm yếu”.

Nhà phân tích Stephen Jen của Morgan Stanley đã nhận thấy một “vòng luẩn quẩn” của đồng USD yếu và giá hàng hóa tăng cao. Tỷ giá USD so với Euro và giá dầu cũng như các hàng hóa khác có mối quan hệ qua lại rất chặt chẽ do các nhà đầu tư đang dịch chuyển vốn sang thị trường dầu lửa, kim loại và ngũ cốc - những mặt hàng được coi là các kênh đầu tư là an toàn.

Mối quan hệ này được thể hiện rất rõ nét trong mấy ngày trở lại đây, khi giá dầu tăng qua mức 111 USD/thùng thì giá USD cũng tụt xuống mức 1,58 USD/Euro. Hoạt động đầu cơ hàng hóa đẩy giá cả tăng vọt như vậy khiến cả thế giới nghĩ rằng, tình hình lạm phát đang trầm trọng hơn so với mức thực tế của nó.

Và trên thực tế, nỗi lo sợ về lạm phát có thể đã khiến các ngân hàng trung ương như ECB càng thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, mặc dù rất khó để có thể nhận biết được lãi suất của một quốc gia hay khu vực sẽ có tác động ra sao tới giá ngũ cốc hay giá dầu, một mức giá được thiết lập với phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, quan điểm cho rằng, tình trạng lạm phát đình đốn (lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng thấp) đang hình thành tại nước Mỹ cũng khiến người ta mất niềm tin vào FED, cho rằng FED “bất lực” trong việc chống lạm phát.

Và điều này càng làm USD thêm mất giá. “Các động thái cắt giảm lãi suất của FED - hành động rõ ràng góp phần khiến giá hàng hóa tăng cao - có thể đã khiến ECB thêm lưỡng lự trong việc cắt giảm lãi suất và ủng hộ đồng Euro mạnh nhằm ổn định giá cả”, nhà phân tích Woo của Barclays Capital nhận định.

Các ngân hàng trung ương cần phối hợp hành động

Mối nguy hiểm ở đây là sự sụt giảm của USD đã trở thành nỗi lo sợ của cả thế giới.

Niềm tin vào USD sẽ rơi xuống mức “zero” nếu Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngừng neo buộc đồng tiền của các nước này vào đồng USD. Hiện Qatar và UAE đang tính đến kịch bản xấu này. Nếu khả năng này trở thành sự thật, rất có thể sẽ diễn ra một đợt dịch chuyển toàn bộ số tiền “đôla dầu lửa” - tiền USD các nước này thu được từ việc xuất khẩu dầu lửa - và tiền trong các quỹ lợi ích tối cao ra khỏi “bạc xanh”.

Với nỗi lo sợ này, thị trường đang trông đợi sự phối hợp hành động giữa FED, ECB, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và thậm chí cả các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Saudi Arabia nhằm khôi phục lại niềm tin.

Nhưng ít nhất cho tới lúc này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, các ngân hàng trung ương sẽ hành động như vậy. Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush vẫn tỏ ra tin tưởng vào sự hồi phục thị trường còn ECB vẫn có lý do để giữ lãi suất Euro ở mức như hiện nay. Bởi thế, cho tới khi những người đứng đầu các cơ quan này ngồi lại với nhau, USD sẽ còn “rơi” tiếp.

(Theo Business Week)