Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khi người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao”
Thời gian gần đây, hàng loạt các “ông lớn” trong ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã liên tục báo lỗ, thậm chí đóng cửa rút khỏi thị trường...
Theo khảo sát của PwC, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu của mình. 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu; trong đó, 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, chi tiêu cho du lịch chỉ còn 42%, và điện tử chỉ ở mức 38%. Tuy nhiên, chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.
SỨC MUA ĐỒ XA XỈ VÀ ĐIỆN TỬ SỤT GIẢM MẠNH
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng cẩn thận hơn trong chi tiêu, các ngành hàng giá trị cao như thiết bị di động, điện máy chịu ảnh hưởng lớn, một số mặt hàng thiết yếu như bách hoá, thực phẩm, dược phẩm vẫn ghi nhận sức mua ổn định và tăng trưởng.
Thời gian gần đây, hàng loạt các “ông lớn” trong ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã liên tục báo lỗ, thậm chí đóng cửa rút khỏi thị trường Việt Nam.
Đơn cử, thương hiệu trung tâm thương mại Parkson đã "sập" khi tập đoàn bán lẻ từ Malaysia này thông báo đang làm thủ tục phá sản tại Việt Nam. Nguyên nhân do thua lỗ kéo dài từ thời điểm đại dịch Covid-19 đến nay.
Theo số liệu từ Parkson Retail Asia, đơn vị sở hữu hệ thống Parkson tại Việt Nam, trong năm 2022, Parkson ghi nhận khoản lỗ khoảng 1,7 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2923, doanh thu của hệ thống Parkson tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 123 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục chịu lỗ thêm khoảng 19 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, Parkson đã phải liên tục đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại lớn. Hiện đơn vị này chỉ còn vận hành duy nhất một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM.
Ngoài Parkson, quý I/2023 vừa qua, hai ông lớn bán lẻ trong nước là Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đều bị sụt giảm hơn 90% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất trong nhiều năm qua.
Mặc dù ngay từ đầu năm, hai “ông lớn” trong ngành bán lẻ điện tử này đều dự báo một năm đầy thách thức khi sức mua của người tiêu dùng liên tục suy giảm. Theo kế hoạch kinh doanh, FRT dự kiến giảm lãi một nửa, xuống 240 tỷ đồng, còn Thế giới di động chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 1%.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường 3 tháng đầu năm còn tiêu cực hơn nhiều so với dự tính của hai công ty này. Doanh thu của chuỗi FPT Shop giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.513 tỷ đồng. Theo đó, lãi hợp nhất sau thuế là 2 tỷ đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này mới đạt 8,3% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, chuỗi bán lẻ FPT Shop phải đưa ra nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu cho các sản phẩm điện tử, nhất là ngành hàng Apple.
Tương tự, lãi ròng hợp nhất của Thế Giới Di Động trong quý I cũng "bốc hơi" hơn 90%, xuống còn hơn 21 tỷ đồng (Quý I/2022 lãi 1.445 tỷ đồng) do sức mua điện thoại và điện máy suy giảm từ quý IV/2022. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2014. Doanh thu hợp nhất của công ty giảm 25,7%, xuống còn 27.335 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Thế Giới Di Động chỉ mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm (Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của MWG dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023).
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân người dân thắt chặt chi tiêu, thì việc phải tốn chi phí khuyến mãi, các đối tác cho vay trả góp thu hẹp hoạt động đã khiến hoạt động kinh doanh kém sắc.
KỲ VỌNG TỪ ĐẦU TƯ FDI
Dù chịu sự tác động từ nền kinh tế vĩ mô, người dân thắt chặt chi tiêu, song giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Bộ Công Thương trước đó cho biết, năm 2023 kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ bởi dự kiến quy mô thị trường đến năm 2025 sẽ cán mốc 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành bán lẻ xếp thứ 4 với tổng số vốn đăng ký đạt gần 372 triệu USD.
Những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở cửa hoạt động và rót vốn đầu tư trở lại sau dịch COVID-19. Mới đây, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới.
Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, doanh nghiệp dự kiến sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước. Qua đó thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỉ đồng.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, sau thời gian chững lại do dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục, kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt thị trường vào thời gian tới. Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Không chỉ có "đại bàng" bán lẻ Central Retail lên kế hoạch đầu tư tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng tăng cường rót vốn cho ngành hàng bán lẻ. Trước đó, MM Mega Market cũng mở 3 kho cung ứng mới trong vòng 12 tháng gần đây tại Sa Pa (tháng 5/2022), Bình Thuận (tháng 7/2022), và Thanh Hóa (tháng 3/2023).
Đầu tư hơn 5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam và coi là thị trường quan trọng thứ ba sau Hàn Quốc, Nhật Bản, nhà bán lẻ Lotte Mart cũng cho biết đang tiến hành mở rộng mạng lưới bằng việc tăng thêm số trung tâm thương mại, tập trung phát triển mảng thực phẩm thiết yếu và bình ổn giá.