Doanh nghiệp môi giới gặp khó phải giảm nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ
Quý 1/2023 có thêm 30%-50% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, hoặc tạm dừng so quý trước. Đi kèm tình trạng này, số lượng môi giới hoạt động cũng chỉ từ 30% - 40% so cùng kỳ năm 2022…
Những khó khăn trên thị trường bất động sản được thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh, khi nhiều doanh nghiệp hoạt động môi giới đều báo lỗ trong 3 tháng đầu năm và ghi nhận giai đoạn kém nhất kể từ 2017 cho tới nay.
BỚT 50% NHÂN SỰ DO KINH DOANH KHÔNG KHẢ QUAN
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) thông tin, tại đại hội cổ đông vừa qua, các doanh nghiệp môi giới bất động sản đã lý giải kết quả kinh doanh với những con số kém tích cực, là do thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm ngoái.
Vars cho biết, có doanh nghiệp giải trình rằng: “Các vấn đề về nguồn vốn, lãi suất tăng cao... đang gây áp lực lớn cho người mua nhà lẫn nhà đầu tư. Điều này khiến nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh, kéo theo doanh thu cùng lợi nhuận suy giảm đáng kể. Với tình hình kinh doanh như thế nên doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện cắt xén không ít khoản”.
Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh môi giới đã giảm mạnh số lượng nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ với hàng nghìn nhân sự, để hạn chế chi phí và tập trung chủ yếu ở bộ phận kinh doanh. Các doanh nghiệp môi giới, hoặc chủ đầu tư từng bố trí bộ phận môi giới bán hàng cho biết có tỷ trọng sa thải khoảng 50% nhân sự trở lên, dưới hình thức như: dừng ký hợp đồng tạm thời 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng báo cáo cụ thể: trong quý 1/2023, theo khảo sát thì có thêm 30%-50% sàn giao dịch đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động so quý trước. Đi kèm là số lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay, ước lượng chỉ còn 30% - 40% so giai đoạn đầu năm 2022.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes, thực tế, nếu khó khăn của chủ đầu tư là 8-9 thì người môi giới chắc chắn tương đương, thậm chí cao hơn khi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng sản phẩm. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, chủ đầu tư không bán được hàng làm sao có khả năng thanh toán. Mà tình trạng không duy trì được nguồn thu kéo dài khi chi phí vẫn phải trả đều đặn, doanh nghiệp ngừng hoạt động là dễ hiểu vì chẳng thể chịu đựng mãi.
DOANH NGHIỆP TÁI CẤU TRÚC CÒN NHÂN VIÊN PHẢI ĐÀO TẠO BÀI BẢN
Tuy nhiên nêu quan điểm, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế-tài chính-bất động sản Dat Xanh Services, cho rằng ngay lúc này, doanh nghiệp môi giới cần thực hiện tái cấu trúc hệ thống, ngành hàng, sản phẩm. Chuyển đổi cấu trúc chi phí bằng cách tối ưu chi phí hoạt động; chuyển đổi mô hình kinh doanh cùng những giải pháp như đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối.
Mặt khác, cần thay đổi, bổ sung dòng sản phẩm kinh doanh, tập trung vào phân khúc ở thực, bất động sản cho thuê. Bổ sung thêm dịch vụ mới: tư vấn thiết kế nội thất, quản lý tài sản, bảo hiểm...; Chuyển đổi phương thức kinh doanh từ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung quy mô lớn sang nhiều sự kiện bán hàng quy mô vừa và nhỏ; Tăng cường hoạt động liên kết, liên minh cùng làm thị trường để bán hàng.
Còn Vars nhận xét triển vọng nghề nghiệp của những người làm môi giới vẫn rất lớn. Thế nên môi giới phải học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.
Theo Vars, thời gian qua cho thấy câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên môi giới chủ yếu tập trung ở nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Đa phần doanh nghiệp vẫn muốn giữ lại nhân sự cứng, cốt cán, đủ năng lực. Bởi lẽ giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu khắt khe hơn dành cho môi giới nhằm tìm ra phương hướng đầu tư đúng đắn. Thế nên môi giới "tay non, tay ngang" đương nhiên khó cạnh tranh so người dày dạn kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản, uy tín cao trong hoạt động môi giới.
Hội môi giới cũng nhận định, Luật Kinh doanh bất động sản mới sẽ siết chặt việc quản lý hoạt động môi giới. Cụ thể, dự thảo quy định chặt chẽ hơn không cho môi giới hoạt động tự do, mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. Luật hướng đến làm sao quản lý được. Nếu trước đây, cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong thì người được cấp đi đâu, làm gì không báo cáo ai, không ai giám sát. Các địa phương có hàng nghìn, hàng vạn môi giới không chứng chỉ vẫn hoạt động bình thường.
“Nhưng tới đây, sàn bất động sản phải chịu trách nhiệm về các môi giới. Môi giới sau khi có chứng chỉ, cách quản lý, hoạt động ở đâu, giao dịch cái gì đều xuất hiện trên hệ thống quản lý, trong luật đều quy định cụ thể hơn. Việc môi giới có chứng chỉ rất quan trọng. Thực tế, có môi giới không chứng chỉ vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên "tốt" ở đây chỉ là doanh số bán hàng. Bản thân môi giới phải hướng đến sự chuyên nghiệp vì họ đại diện bên bán, bên mua trong giao dịch và không được phép sai phạm. Vai trò môi giới cần nâng lên tầm cao hơn chứ không chỉ đơn thuần tư vấn bán hàng. Muốn làm giỏi phải đào tạo nghề môi giới như nhiều ngành nghề khác”, đại diện Vars phân tích.