07:00 31/08/2022

Doanh nghiệp vận tải “hạ nhiệt” giá cước

Lưu Hà

Nhờ sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh. Theo đà giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã bắt đầu có động thái điều chỉnh giá cước giảm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Do đó, doanh nghiệp và người dân đều mong ngóng một đợt giảm giá cước vận tải đồng loạt. Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5 - 10%. 

NHỮNG ĐIỀU CHỈNH KỊP THỜI

Theo đại diện Công ty cổ phần quản lý bến xe Hà Nội, hiện đơn vị đã nhận được thông báo của Công ty Hoàng Hà chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình giảm giá từ 120.000đ xuống còn 100.000đ/lượt khách và Công ty TNHH Đoàn Xuân có xe chạy 3 tuyến: Hà Nội - An Lão, Tiên Lãng, Hà Nội - Quý Cao, Hà Nội - Hải Dương đều giảm khoảng 10.000đ/vé. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay đã nhận được thông báo xin giảm giá cước của hơn 10 đơn vị taxi trên địa bàn với mức giảm từ 500 - 1.000đ/km.

Đối với khu vực phía Nam, theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, hiện tại có 2 doanh nghiệp lớn là Mai Linh và Vinasun đều đã tiến hành điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng dầu. Qua khảo sát, xe khách các tuyến Bến xe Miền Đông – Đà Nẵng, Hà Nội và các tuyến xe khách xuất phát từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… giá cước vẫn chưa có gì thay đổi. Hiện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản để nhắc nhở những đơn vị chưa điều chỉnh phải nhanh chóng điều chỉnh lại giá cước. 

Ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc Xí nghiệp taxi Đà Nẵng, cho hay đơn vị có 70 đầu xe, khi xăng tăng cao, hãng bắt buộc phải tăng thêm 500 đồng/km cho phù hợp. Nay giá xăng giảm, taxi Đà Nẵng điều chỉnh giá cước về mốc cũ là 16.500 đồng/km. Cũng theo ông Vỹ, xăng tăng hay giảm thì đơn vị cũng phải theo dõi kỹ chứ không thực hiện điều chỉnh giá ngay. “Xí nghiệp rất hạn chế việc tăng, giảm giá cước, bởi mỗi lần tăng, giảm giá sẽ tốn rất nhiều chi phí như dán decan công khai cước, điều chỉnh đồng hồ báo giá”, ông Vỹ nói.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản để nhắc nhở những đơn vị chưa điều chỉnh phải nhanh chóng điều chỉnh lại giá cước. 
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản để nhắc nhở những đơn vị chưa điều chỉnh phải nhanh chóng điều chỉnh lại giá cước. 

Là doanh nghiệp vận tải với đội xe nhiều, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại Vạn Xuân (Nghệ An), khẳng định rằng khi giá xăng hạ là lập tức điều chỉnh giảm giá cước. Tương tự, đại diện nhà xe Văn Minh ở TP. Vinh, nhà xe có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước cũng cho biết: “Sau nhiều kỳ liên tiếp giảm giá xăng dầu, công ty đã giảm giá vé của hành khách trên các tuyến khắp cả nước xuống 20.000đ/vé, còn cước phí vận chuyển hàng hóa thì trước giờ chưa tăng nên vẫn giữ nguyên”.

Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, khi giá xăng dầu tăng cao, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cước vận tải hàng hóa thêm 5%. Tuy nhiên khi giá nhiên liệu giảm mạnh, ngành đường sắt cũng ngay lập tức điều chỉnh giảm giá cước.

Cụ thể, từ ngày 15/7, đường sắt giảm 3% giá cước phổ thông nguyên toa, giá cước tính sẵn đối với các mặt hàng vận chuyển tại các ga trong phạm vi từ ga Kim Liên trở ra các ga phía Bắc vận chuyển đi các ga trên các tuyến đường sắt. Từ ngày 5/8, tiếp tục giảm 2% giá cước. Như vậy, tổng cộng giảm 5% so với giá cước tháng 6/2022, nên giá cước đã trở về như trước.

 
Giá cước của mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu.

Giá cước vận tải biển cũng được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải biển và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht DaNang), cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế.

Tuy nhiên, giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn. Cụ thể, cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ sẽ khoảng 15.000 USD - 17.000 USD/container 40 feet, hiện chỉ khoảng 11.000 USD. Đối với các chặng đi Ấn Độ, lúc cao điểm lên tới 4.000 USD/container 40 feet thì nay còn khoảng 3.000 – 3.100 USD/container.

CẦN MỘT LỘ TRÌNH CỤ THỂ

Trước diễn biến mới của giá xăng dầu trên thị trường, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các Sở Giao thông Vận tải chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá.

Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Đồng thời yêu cầu công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. 

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết khi giá xăng dầu giảm thì cần có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai giảm. “Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá. Bộ kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá cước vận tải sẽ giảm đồng loạt theo giá xăng dầu”, Thứ trưởng Sang cho hay.

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, trong các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không thể căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước. Bên cạnh đó, giá cước của mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu.

Các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt tăng/giảm giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt tăng/giảm giá xăng dầu.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn khoảng 150.000 đồng/xe cho các chi phí như kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Chi phí lớn và mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt tăng/giảm giá xăng dầu.

Về phía doanh nghiệp, nhu cầu vận tải cuối năm được dự đoán gia tăng, khi các dịp cao điểm sắp đến như dịp lễ 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch... Trong thời điểm giá nhiên liệu biến động, đại diện các doanh nghiệp cho rằng cần nhanh chóng tìm giải pháp ứng phó, lên kế hoạch để triển khai trước mùa cao điểm.

Chẳng hạn, các điểm trung chuyển và các tuyến đường vận chuyển cần được kiểm soát và quản lý hiệu quả hàng ngày. Điều này giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành các bộ phận liên quan, đầu ra, đầu vào và đưa ra giải pháp kịp thời cho doanh nghiệp. Việc tăng cường liên kết chặt chẽ trong các hiệp hội vận tải cũng giúp tạo lập mặt bằng giá cước phù hợp và hạn chế giao nhận hàng hóa rải rác làm tăng chi phí.